Nguồn vốn ngân sách bố trí được để phát triển giao thông trong giai đoạn 2016 – 2020 mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu, khiến 27 dự án quan trọng có nguy cơ dừng, giãn tiến độ.
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Giao thông vận tải ngày 16/3, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, dự kiến số vốn ngân sách nhà nước Bộ được phân bổ giai đoạn 2016 – 2020 là 188.200 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu.
Theo ông, 27 dự án quan trọng, có tính chất cấp bách sử dụng vốn ngân sách đang đối diện với nguy cơ bị dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn.
Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông) thông tin cụ thể, nếu không có giải pháp, hàng loạt dự án cấp bách sẽ không có vốn để triển khai tiếp. Có thể kể đến dự án xử lý sụt trượt đoạn qua đèo Chẹn – quốc lộ 37 Sơn La, quốc lộ L4A đoạn qua Lạng Sơn (tuyến quan trọng nhất nối Cao Bằng – Lạng Sơn về Hà Nội), quốc lộ 279 đoạn Việt Vinh – Nghĩa Đô nối Hà Giang qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai về Hà Nội…
Một số tuyến quốc lộ nối các tỉnh phía Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai có thể bị dừng, giãn tiến độ.
“Điều này sẽ gây lãng phí phần vốn đã đầu tư dở dang, mất an toàn giao thông, đi lại khó khăn, lãng phí nhân công, thiết bị thi công đã huy động trên công trường”, ông Hoằng nói.
Theo ông Hoằng, Bộ Giao thông đề xuất Thủ tướng phương án phân bổ vốn đáp ứng các nguyên tắc và thứ tự ưu tiên như: Trả đủ nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% vốn ứng trước, ưu tiên bố trí vốn đối ứng các dự án ODA… Tuy nhiên, sẽ dành một phần vốn để thi công các dự án đang triển khai dở dang nói trên. Cụ thể, Bộ Giao thông kiến nghị được sử dụng toàn bộ số vốn dự phòng (khoảng 3.619 tỷ đồng) cho các dự án này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giao thông tìm ra được cơ chế để phát triển hạ tầng trong điều kiện vốn ngân sách có hạn. Ảnh: VGP
“Không vì khó khăn kinh phí mà để giao thông là nút thắt”
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chưa huy động vốn xã hội được. Tôi biết có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì vướng mắc chính sách nên họ nản lòng”.
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ tinh thần là tìm mọi biện pháp phát triển ngành GTVT, không vì khó khăn về kinh phí mà để đây tiếp tục là nút thắt.
Theo Thủ tướng, phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển giao thông. Vì vậy, cần xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể cung cấp vốn mồi, tạo cơ chế. “Hồi trước mua máy bay, Thủ tướng phải bảo lãnh. Bây giờ tư nhân mua máy bay có ai bảo lãnh mà đội bay thêm được bao nhiêu”, Thủ tướng nêu ví dụ về xã hội hóa và cho rằng đây là lối ra khi mà nguồn vốn Nhà nước bố trí được để phát triển GTVT mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn bổ sung trong quá trình điều hành, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng. Ông cũng lưu ý ngành giao thông chú trọng nâng cao chất lượng công trình, không để tình trạng “một trận mưa mà công trình đã xuống cấp”.
Bộ GTVT được Thủ tướng giao tập trung làm một km đường mẫu, từ đó có thể tính được cụ thể chi phí đầu tư, để xem “định mức làm sao, bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng, nếu làm đường nhựa thì như thế nào”…