Một số ngân hàng đã tạm dừng giải ngân các khoản vay Bất động sản, kể cả những người vay mua nhà để ở. Các chuyên gia đánh giá việc siết tín dụng có thể làm giảm nhiệt thị trường và các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở).

Ngoài ra, Sacombank cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động – cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản này sẽ được diễn ra đến ngày 30/6/2022.

Ngân hàng này yêu cầu tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất. Trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…

Một ngân hàng khác là Techcombank cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận.

Theo đó, nhà băng này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4.

kinh doanh bat dong san

Một số tạm dừng giải ngân các khoản vay bất động sản, kể cả những người vay mua nhà để ở.

Việc các ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản bởi tỷ lệ tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước cấp hiện nay chỉ là tạm thời. Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm khá tốt nên ngân hàng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh nhiều hơn.

Trên thực tế, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. Đồng thời, các ngân hàng cũng dành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm hạn chế rủi ro.

Các chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng vào bất động sản từ một số nhà băng sẽ làm giảm dần sức nóng của thị trường địa ốc trong thời gian vừa qua, bởi thị trường địa ốc lệ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc siết tín dụng nhắm vào giới đầu tư có tính đầu cơ sẽ làm lành mạnh thị trường.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết kịch bản siết tín dụng bất động sản đã được dự báo trừ hai năm trước. Từ năm 2019, các cơ quan quản lý đã nhận thấy rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản nên đã siết tín dụng đổ vào lĩnh vực này. Ngay cả trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản từng nở rộ trong năm 2020, với phần lớn trái chủ là các ngân hàng cũng đã được kiểm soát chặt hơn.

Theo ông Hiển, việc tạm dừng giải ngân cho vay bất động sản sẽ làm ảnh hưởng mạnh nhất lên những người đang dùng đòn bẩy tài chính lớn với kỳ vọng bất động sản năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh. Nhóm này có thể là doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là những người đầu tư bất động sản theo kiểu lướt sóng.

“Các doanh nghiệp lớn kỳ vọng dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, nhưng tác động lên nhóm này “dễ thở” hơn”, ông Hiển cho biết.

Theo ông Hiển, những nhà đầu tư dài hạn, có dự trù tài chính tốt sẽ bị ảnh hưởng không nhiều vì họ đã kế hoạch dài hơi. Còn người mua nhà để ở bị ảnh hưởng một phần vì áp lực lãi suất có thể tăng trong thời gian.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *