Hình minh họa
Giá đất tăng vọt nhưng giao dịch chỉ bằng 70% quý cuối năm 2020
TheoThứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, quý 1/2021 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động. Tuy lượng giao dịch bất động sản qua theo dõi của Bộ Xây dựng chỉ bằng khoảng 70% so với quý 4/2020, song giá bất động sản có nhiều biến động. Nhất là giá đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương cũng chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến việc các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao.
Lợi nhuận “béo bở” khiến phân lô bán nền trái phép tràn lan
Người dân có nhu cầu rất lớn về chỗ ở nhưng thu nhập không đủ để mua nhà hợp pháp, nhiều nhóm đầu nậu bất chấp sai phạm vì lợi nhuận hấp dẫn từ việc mua bán, phân lô đất nông nghiệp… là những nguyên nhân khiến cho tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra tràn lan. Tình trạng này diễn ra phổ biến tại nhiều khu vực thuộc các quận huyện vùng ven trung tâm thành phố như quận Thủ Đức, quận 9, Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi… đây đều là những nơi đang có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong những năm qua, TP.HCM có sự gia tăng dân số cơ học rất lớn. Lượng dân nhập cư từ các địa phương khác về thành phố sinh sống có nhu cầu rất lớn về chỗ ở. Tuy nhiên, đa phần người dân có mức thu nhập trung bình thấp nên không thể mua nhà một cách hợp pháp nên phát sinh tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phân lô trái phép, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Sân bay “xì hơi”, người dân vẫn ùn ùn đổ tiền mua đất Bình Phước
Trong ngày đầu tuần, khu vực trước Văn phòng công chứng thị trấn Chơn Thành, Bình Phước cả trăm chiếc ô tô nối đuôi nhau đậu kín. Trong số này, ngoài các xe mang biển số Bình Phước thì còn rất nhiều số khác mang biển các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương.
Bên trong khu vực Văn phòng công chứng, không còn một chỗ trống, kẻ đứng, người ngồi để chờ đến lượt gọi tên. Tiếng chuông điện thoại của người mua, người bán, người môi giới liên tục reo vang. Một số người tay ôm bì hồ sơ nhưng mắt đã lim dim ngủ gật vì phải chờ đợi quá lâu.
Giá đất Bình Chánh lại “nhảy múa” trước thông tin lên quận
Giá Đất Bình Chánh đang nhảy múa liên tục trước thông tin huyện phía tây nam TPHCM này sắp được nâng cấp lên quận. Ghi nhận thực tế cho thấy giá đất ở một số khu vực trong huyện này đã nhảy vọt lên mức 140 triệu đồng/m2.
Ghi nhận thực tế cho thấy giá đất ở đây có mức tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với thời điểm cách đây 3 năm. Cụ thể, mức giá đất trung bình của Bình Chánh cách đây 3 năm dao động trong khoảng từ 28-30 triệu đồng/m2, nay đang neo ở mức 40-50 triệu đồng/m2. Giá đất ở các xã thuộc diện vùng sâu vùng xa như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B là 30 triệu đồng/m2. Còn khu vực Bình Hưng, mức giá đất rơi vào khoảng 80-90 triệu đồng/ m2. Đáng chú ý, tại khu Trung Sơn, giá đất hiện nay đang ở mức 100-140 triệu đồng/m2.
Đổ xô mua đất Chơn Thành
Chơn Thành đang là một trong những điểm nóng nhất tại thị trường Bất động sản Bình Phước. Những văn phòng công chứng tại đây phải hoạt động hết công suất vì dòng người đổ về giao dịch đất đai đông nghẹt.
Sáng đầu tuần tại phòng công chứng Chơn Thành, hàng trăm người đổ về làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng đất nườm nượp. Bên ngoài xe cộ ken đặc, xếp hàng dài, bên trong, người đứng người ngồi ồn ã, náo nhiệt. Ai cũng mong được gọi tên để làm thủ tục sớm. Các quán café xung quanh phòng công chứng cũng hoạt động hết công suất, phục vụ nhu cầu giao dịch mua bán đất của dòng người từ các nơi đổ về. Anh Thịnh, một người dân địa phương cho biết tình trạng người đổ về mua đất, giá đất tăng diễn ra mạnh mẽ trong khoảng một năm trở lại. Những cọc tiền chằng buộc cẩn thận, người đưa người nhận kỳ kèo bớt lộc, kiểm đếm huyên náo.
TP.HCM có nên xóa sổ đất nông nghiệp?
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cũng là nơi có tốc độ đô thị hóa cao và nhu cầu về phát triển nhà ở, đất cho dịch vụ, công nghiệp tăng cao. Trong quy hoạch sắp tới, đối với một đô thị đang phát triển như TP.HCM vẫn cần giữ lại một mật độ nhất định đất nông nghiệp để tạo những không gian mở như cây xanh, mặt nước, công viên. Đó là chia sẻ của giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường với CafeLand.
Đất nông nghiệp còn lại của TP.HCM cần giữ ở một mật độ nhất định để tạo những không gian mở như cây xanh, mặt nước, công viên. Ngoài ra, TP.HCM nên phát triển nông nghiệp dưới dạng nông nghiệp công nghệ cao, và cần phải kiểm tra quỹ đất nông nghiệp còn lại để xem mức độ phân tán nó như thế nào. Nếu không thì cũng sẽ trở thành khó khăn cho sự phát triển của thành phố.