Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án giao thông trọng điểm
Kẹt xe, tắc đường, ùn ứ kéo dài trong giờ cao điểm không phải là câu chuyện lạ về giao thông ở TP HCM. Không khó giải thích cho hiện tượng trên, bởi dân số TP HCM quá đông, trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông lại quá chậm. Sở GT-VT TP HCM cho biết, đến cuối năm nay, tỷ lệ đất cho giao thông so với đất xây dựng đô thị ước đạt khoảng 11,01%; mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,2km/km2; mới bằng một nửa so với quy định về tỷ lệ đất giao thông đô thị theo Nghị định 11/2010 của Chính phủ. Mặc dù, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP HCM đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển các công trình giao thông trọng điểm, nhưng chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đất dành cho giao thông tại TPHCM đang rất thấp.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến tình trạng giao thông ở TP HCM rơi vào tình trạng nan giải như hiện nay là bởi: Khó khăn về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng triển khai chậm, các giải pháp hạn chế phương tiện chưa được triển khai, chưa có các loại hình vận tải khối lượng lớn; tình trạng ngập nước, lấn chiếm lòng đường vỉa hè xảy ra thường xuyên….
Việc TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo TP HCM. Ông Nguyễn Minh Nhựt -Phó Ban đô thị, HĐND TP HCM cho rằng, đây là thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay, song cũng chính là động lực để TPHCM phấn đấu.
“Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp nhưng chúng ta phải xác định giao thông là mục tiêu chính để mang tới sự đột phá. Giao thông phát triển sẽ giúp kinh tế thành phố phát triển. Đó là mục tiêu tôi cho rằng cũng có khả năng thực hiện được với tinh thần thành phố là đầu tàu, cùng cả nước vì cả nước”, ông Nguyễn Minh Nhật cho biết.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT TP cho biết, Sở đã lên kế hoạch để đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đề ra. Đó là, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên đầu tư, phân bổ nguồn lực, nguồn vốn; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, quận, huyện.
Theo ông Trần Quang Lâm, ngoài nút thắt về nguồn vốn thì khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Bài toán mặt bằng kỳ vọng sẽ được giải quyết bằng Nghị quyết 27/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao đất mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP HCM. Sắp tới, TP HCM cũng sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư, trong đó có cả giải pháp phát hành trái phiếu: “Khi chúng ta có nguồn lực, điều kiện và tổ chức tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhanh hơn giai đoạn qua. Cùng với việc TP HCM sẽ có thêm nguồn lực quay lại đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, các dự án, các khu đô thị do nhà đầu tư xây dựng đầu tư phát triển thì trong đó có luôn hệ thống giao thông thì cũng góp phần làm tăng lên tỷ lệ đất dành cho giao thông”.
Quy hoạch giao thông phải đặt trong quy hoạch tổng thể
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fullbright, để hoàn thành mục tiêu một cách đồng bộ mà Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM đề ra, Thành phố cần một nguồn lực khổng lồ từ bên ngoài. Điều này là không dễ dàng. TPHCM cũng cần thực tế hơn trong đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đất dành giao thông bằng việc tập trung vào từng vùng, từng khu vực, nhất là những đô thị phát triển mới. Nếu làm theo phương án này, thì tỷ lệ không chỉ là 15% đất dành cho giao thông mà còn có thể tăng lên 20%.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du phân tích: “TP HCM có thể xem xét một chỉ tiêu khác, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Đó là, chỉ tính trên khu vực phát triển đô thị bởi vì tính chiều dài đường trên diện tích cả thành phố thì không ý nghĩa lắm. Ví dụ như vùng sinh quyển Cần Giờ thì gần như không có đường nhưng khu vực phát triển đô thị thì nó ý nghĩa rất lớn”.
Kẹt xe – người dân chạy ngược chiều.
Còn Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, quy hoạch giao thông mà chệch với các quy hoạch khác thì mục tiêu trên khó thành hiện thực. Cho nên, để nâng tỷ lệ đất giao thông đô thị thì phải đặt quy hoạch giao thông trong quy hoạch tổng thể: “Tỷ lệ giao thông nhiều chưa chắc là tốt. Kinh nghiệm ở những thành phố có kẹt xe là tăng diện tích giao thông có khi còn kẹt hơn. Thành ra vấn đề giao thông phải nằm trong tổng thể về quy hoạch. Xem xét lại vấn đề mật độ, tầm cao, tỷ lệ cây xanh, mặt nước…trong đó có vấn đề về giao thông”.
Việc đầu tư cho giao thông được TP HCM xem là động lực phát triển kinh tế. Trong bối cảnh mà nguồn lực về đất đai ngày càng ít thì bài toán nâng cao tỷ lệ đất cho giao thông đô thị không phải là vấn đề dễ dàng. Để hiện thực hoá chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đặt ra, TP HCM cần phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch sử dụng đất để có những điều chỉnh phù hợp. Song song đó, là triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác như: Nâng cao tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân, giải quyết bài toán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…Việc này, cần sự chung tay của cả chính người dân thành phố.