Bộ GTVT mới đây đã ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, Tư lệnh Bộ GTVT thống nhất với các địa phương về việc triển khai theo hướng tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1.
Từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định đề xuất phương án đầu tư giai đoạn 2, gồm: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đoạn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Bộ GTVT sẽ sớm có văn bảo chỉ đạo các tỉnh, địa phương liên quan thống nhất phương án đề xuất giao cho UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền triển khai các Dự án.
Dự kiến, UBND TP.HCM hoặc UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương; UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án mở rộng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Sau khi UBND các tỉnh, thành phố được chấp thuận giao nhiệm vụ thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng giao địa phương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp nghiên cứu đầu tư các Dự án theo phương thức PPP.
Về phương án đầu tư, Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án đầu tư, trong đó có các phương án: bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hình thức đầu tư công; án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT hoặc đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BTL, BLT….
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 50 km, quy mô 4 làn xe tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỉ đồng. Dự án được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010. Việc đưa vào khai tuyến đường cao tốc này đáp ứng cho khoảng 50.000 lượt ô tô qua lại mỗi ngày, và gấp đôi vào các dịp lễ tết. Sau hơn 12 năm khai thác, tuyến cao tốc không còn đáp ứng được công suất hiện hành, vận tốc lưu thông thực tế hiện chỉ dao động từ 60 – 80 km/h (vận tốc thiết kế 120 km/giờ).
Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51km với tổng mức đầu tư 12.668 tỉ đồng. Được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 4/2022, đến nay tuyến đường đã chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1. Qua đó, đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Tuy nhiên, sau khi khai thác đồng thời cả tuyến 2 cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đã phát sinh một số bất cập do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quá lớn.