Đất nền tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc tăng đột biến
Giá đất tăng “phi mã”
Khảo sát tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên như: Nam Đầm Vạc, Bắc Đầm Vạc, Nam Vĩnh Yên, VCI Mountain View, … hiện giá đất dao động từ 20 – 40 triệu đồng/m2, những vị trí đắc địa còn lên tới gần 100 triệu đồng/m2, cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của Nhà nước.
Ngay cả những vùng huyện xa trung tâm thành phố như Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Lập Thạch… giá bất động sản cũng tăng cao, trung bình khoảng 20 – 40% so với thời điểm cuối năm 2021.
Điển hình như đất quanh khu vực dự án KCN Tam Dương 1, khu vực 2, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tình trạng giá đất tại đây liên tục tăng cao bất thường với lượng giao dịch tăng đột biến.
Tại tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, những năm trước đây giá đất được các hộ dân rao bán khá rẻ, chỉ 250- 300 triệu đồng/100 m2 và đắt nhất là 500 triệu đồng/100m2. Nhưng hiện nay, đất ở đây có giá từ 2-8 tỷ đồng/100m2 tùy vị trí.
Cần ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”
Tình trạng giá đất nhảy vọt từ thời điểm đầu năm 2021 khiến nhiều người dân tại tỉnh Vĩnh Phúc bỏ công việc sản xuất, kinh doanh để đi buôn đất. Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết các giao dịch đất chủ yếu là đầu tư lướt sóng, cò đất mua đi bán lại với nhau.
Vĩnh Phúc ngừng xem xét phân lô, bán nền để ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”
Cũng theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng giá đất tăng bất thường là do “cò” đất lợi dụng tâm lý đầu tư ngắn hạn của người dân để kích giá, đẩy giá, làm “nóng” thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…..cũng diễn ra rất phổ biến. Nhiều cò mồi tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Đây là chính là những giao dịch không phù hợp quy định của pháp luật. Đất rừng, đất nông nghiệp chức năng là để sản xuất chứ không phải để mua bán giao dịch theo dạng kinh doanh bất động sản”.
Ngoài ra, việc giá đất tăng nhanh chóng đã hút nguồn lực lớn của các địa phương vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực khác.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã có động thái ngừng xem xét phân lô, bán nền.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Vũ Chí Giang đã yêu cầu Sở Xây dựng không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án, bán nền tại các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn.
“Thông tin công khai chủ trương này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để các tổ chức, cá nhân biết. Xử lý kịp thời các trường hợp cố tình gây rối, làm mất an ninh trật tự tại địa phương theo quy định” – Ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 70 dự án đô thị, nhà ở và 10 sàn giao dịch bất động sản. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc sẽ tiến hành rà soát, tổ chức thanh kiểm tra nhằm phát hiện, tham mưu xử lý các hành vi giao dịch, kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện.
Đồng thời, phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Tại các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đất đai; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất; cảnh báo người dân trước những cơn “sốt” đất ảo tại địa phương.
Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng và các địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kiềm chế được tình trạng thổi giá đất nền, ổn định giá đất, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển minh bạch, đúng hướng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và nhu cầu an cư của người dân