Nhiều dự án ma xuất hiện kéo nhiều người mua nhà đất sập bẫy
Phản ánh đến CafeLand, chị Thu một người mua đất nền tại Đồng Nai đã tố cáo hành vi môi giới không trung thực của một công ty môi giới đất nền có trụ sở trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP.HCM.
Theo chị Thu, thời gian gần đây, một nhóm người tự nhận là nhân viên của một ngân hàng lớn rao bán đất thanh lý ở quận Bình Thạnh. Khi đến điểm hẹn, nhóm người này đưa chị Thu lên một xe 50 chỗ cùng với nhiều khách hàng khác. Sau khi kéo kín rèm cửa xe, những người này thông báo trên xe có một số khách hàng muốn đi xem trước một số đất thanh lý của ngân hàng ở quận 9 nên “cảm phiền” chị Thu và những người còn lại ưu tiên trước rồi sẽ quay lại Bình Thạnh sau.
Tuy nhiên, sau đó xe đưa chị Thu đi thẳng xuống một dự án đất nền tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Nhóm người trên cũng lộ diện không phải nhân viên ngân hàng mà là người của một công ty môi giới trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP.HCM.
Khi đến nơi, những nhân viên này thuyết phục chị Thu đóng 100 triệu để đặt cọc giữ chỗ mua nền đất tại dự án trên. Họ cam kết số tiền này sẽ được trả lại nếu chị Thu không đồng ý tiếp tục mua nữa. Trong suốt thời gian ở dự án và lúc lên xe ra về, nhóm nhân viên liên tục bám sát chị Thu, thậm chí khi chị này đi vệ sinh, nghe điện thoại cũng bị những người trên đeo bám.
Khi chị Thu nói không có tiền mặt thì ngay lập tứ nhóm nhân viên giới thiệu một người đàn ông đi cùng xe. Người này được giới thiệu là khách hàng cũ đã mua nhiều nền đất của công ty và sẵn sàng cho chị Thu vay tiền rồi trả lại sau.
Trước áp lực những nhân viên môi giới tạo ra, và cũng có phần tin tưởng vào những lời của họ nên chị Thu đã ký vào giấy vay nợ. Tuy nhiên, sau đó chị không thấy người đàn ông kia chuyển khoản hay đưa tiền mặt gì cho chị mà nói rằng sẽ thực hiện trực tiếp với công ty môi giới. Chị cũng bị yêu cầu đưa giấy ghi nợ, giấy tờ cá nhân để nhóm người trên giữ để làm hợp đồng đặt cọc.
Khi xe về đến địa điểm đón đi lúc sáng, nhóm nhân viên này thúc giục chị kêu người nhà đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản để trả nợ cho người đàn ông kia. Thậm chí họ sẵn sàng theo chị về tận nhà để lấy tiền.
Sau đó, họ tiếp tục đưa chị đi ăn và đưa ra hai bản văn bản yêu cầu chị Thu ký như một phần đi kèm với hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua đất nền dự án.
“Trong tình trạng áp lực, căng thẳng, giấy tờ cá nhân bị giữ, giấy nhận nợ đã ký nên tôi đã ký tiếp vào hai văn bản trên”, chị Thu nói.
Sau khi ký vào văn bản và chuyển tiền trả nợ cho người đàn ông “lạ”, chị Thu yêu cầu nhân viên môi giới đưa hợp đồng đặt cọc giữ chỗ và giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án để tham khảo thì họ không đồng ý với lý do “sếp không đồng ý cung cấp hợp đồng đặt cọc giữ chỗ nữa, còn giấy tờ hồ sơ dự án khi nào chị đóng tiền đợt hai để đi tiếp hợp đồng thì công ty sẽ cung cấp tiếp cho chị”.
Không tin tưởng vào cách làm việc của nhóm môi giới này, chị Thu đã trực tiếp tìm đến trụ sở của công ty để được giải quyết. Tại đây, sau nhiều lần làm việc hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Chị Thu yêu cầu cung cấp giấy tờ pháp lý dự án, cũng như những biên bản cam kết của nhân viên đã nói với khách trước đó hoặc trả lại cho chị 100 triệu tiền đã đóng. Tuy nhiên, phía công ty môi giới lại thoái thác, không cung cấp giấy tờ liên quan đến dự án cũng không đồng ý trả 100 triệu tiền của khách hàng.
Sau cùng, phía công ty môi giới đã thỏa thuận chỉ trả lại 40% giá trị số tiền 100 triệu của chị Thu đã đóng. Tuy nhiên, chị Thu không đồng ý với cách giải quyết này.
“Họ cam kết sẽ trả lại tiền cọc khi không đồng ý mua rồi lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp lý, giấy tờ của khách hàng nhằm dụ họ ký vào những giấy tờ có nội dung không đúng với cam kết, tư vấn trước đó theo hướng bất lợi cho người mua. Họ sử dụng chim mồi, chiêu thức để gài người mua vào bẫy”, chị Thu bức xúc.
Chị Thu cho biết, hiện chị đã gửi đơn đi các cơ quan công an, tòa án, báo chí để đòi lại khoản tiền mà chị đã đóng cho công ty môi giới không trung thực trên,
Trên thực tế, những trường hợp như chị Thu là điển hình của tình trạng các công ty, nhân viên môi giới làm ăn chụp giựt, thậm chí lừa đảo khiến rất nhiều người mua đất lao đao thời gian qua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng tình trạng lừa đảo mua đất nền đã được cảnh báo rất nhiều thời gian vừa qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều người mua sập bẫy một phần là do họ chủ quan, ít quan tâm thông tin, không tìm hiểu kỹ dự án, chủ đầu tư mà chỉ chạy theo tâm lý đám đông, những lời quảng cáo hấp dẫn, dụ dỗ của nhóm môi giới gian dối hoặc cò đất rồi sập bẫy.
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ việc một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, giám sát, chưa công bố đầy đủ, công khai những thông tin quy hoạch trên địa bàn khiến cho một số công ty môi giới, cò đất lợi dụng để tung tin, tự vẽ dự án rao bán cho người mua.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết các giao dịch đặt cọc giữ chỗ, hợp tác đầu tư… đều là những thỏa thuận theo Luật Dân sự. Do đó, khi xảy ra tranh chấp thì người mua đòi quyền lợi bằng cách gửi đơn khởi kiện đến tòa án để được giải quyết.
Tuy nhiên, việc cậy đến tòa án là điều không ai mong muốn vì vừa tốn thời gian, mất tiền và rất phức tạp. Do đó, để tránh rơi vào tình cảnh kiện tụng thì người mua cần tỉnh táo, phải suy xét hết các rủi ro để không rơi vào tình cảnh “đâm lao thì phải theo lao” mà những công ty môi giới đã giăng sẵn.
Dưới góc độ của một người đầu tư đất nền, anh Huy (ngụ quận 9, TP.HCM) chia sẻ, tình trạng người mua đất nền mù mờ pháp lý nên bị lừa, gài bẫy là có. Tuy nhiên, không dễ để các công ty môi giới “qua mặt” được người cầm tiền mua đất. Hơn ai hết, họ là những người “xót xa” nhất với những đồng tiền mình bỏ ra nên luôn cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng trước khi đặt mua.
Do đó, có không ít trường hợp người mua biết trước được rủi ro nhưng vẫn đánh liều vì những cam kết khủng về lãi suất, phần thưởng, hay giá đất thấp hơn thị trường mà phía bán đưa ra. Đây cũng là chiêu thức phổ biến mà các công ty môi giới thường bày ra để khiến cho người mua ham cái lợi trước mắt bỏ qua những hậu họa về sau.