Evergrande đang mắc nợ hơn 300 tỷ đô la và đến hạn thanh toán cho các ngân hàng và trái chủ. Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande khiến các tập đoàn bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông hứng chịu một đợt bán tháo trong thứ Hai. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu và Hoa Kỳ bắt đầu bị ảnh hưởng.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ
Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 614 điểm, tương đương 1,8%, vào ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2021. Chỉ số Dow Jones giảm 972 điểm ở mức thấp trước khi cắt lỗ vào cuối phiên. Trong đó, cổ phiếu của Caterpillar và Goldman Sachs chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong một ngày khi các nhà đầu tư đang đợi quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Phoenix Kalen, chiến lược gia tại công ty Societe Generale ở London, cho biết những tác động từ nguy cơ sụp đổ của Evergrande có thể góp phần làm giảm tốc nền kinh tế Trung Quốc. Từ đó, kéo theo suy giảm tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, ảnh hưởng đến giá hàng hóa tại các thị trường.
Cả hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 đều có ngày tồi tệ nhất kể từ tháng Năm. Nasdaq giảm 2,2% khi đóng cửa vào thứ Hai. Ba công ty giảm điểm nhiều nhất đều là các công ty Trung Quốc gồm Pinduoduo, Baidu và JD.com. Chỉ số S&P 500 kết thúc ngày thứ Hai đã giảm 1,7%.
Global X MSCI China Real Estate ETF, một quỹ ETF tập trung vào lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, đã giảm 5,4% khi hết phiên.
Tại châu Âu, FTSE 100 của London đã giảm gần 1%. Trong đó, các công ty khai thác quặng chứng kiến mức giảm lớn nhất do lo ngại sự suy thoái của Trung Quốc sẽ tiếp tục làm giảm giá hàng hóa. Chỉ số Euro Stoxx 600 giảm gần 1,7%.
Giá quặng sắt đã rơi xuống dưới 100 USD/tấn lần đầu tiên trong hơn một năm qua do Trung Quốc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế sản xuất thép, kết hợp với việc các nhà đầu tư lo ngại hoạt động xây dựng chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu đối với kim loại này. Giá đồng giảm 2% và giá dầu cũng tương tự. Cổ phiếu của nhà sản xuất thép Mỹ Nucor có hoạt động kém thứ hai trên S&P, giảm 7,6% trước khi đóng cửa.
Vào sáng thứ Ba, chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei của Nhật Bản cũng giảm mạnh ở mức khoảng 600 yên, tương đương 2%, chỉ còn dưới 30.000 Yên so với cuối tuần trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng Sáu.
Chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. VN-Index giảm hơn 15 điểm ngay đầu phiên ngày 21/9. Tâm lý các nhà đầu tư hoang mang trước diễn biến tiêu cực của thế giới. Nhiều nhà đầu tư bàn luận sôi nổi về nguy cơ sụp đổ của Evergrande, việc cắt giảm lãi suất của FED và lạm phát tại châu Âu.
Cần phải “vỡ nợ một cách có trật tự”
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang gắn liền với thăng trầm của kinh tế Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tốc độ tăng trưởng dương vào năm ngoái. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 1/5 mức tăng tổng sản phẩm quốc nội của thế giới trong 5 năm tính đến năm 2026.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau sự suy thoái do đại dịch gây ra, các dấu hiệu tăng trưởng đang mất dần, đặc biệt là trên thị trường nhà ở, nơi hoạt động giảm mạnh trong tháng Bảy và suy yếu thêm vào tháng Tám.
Cổ phiếu của Evergrande đã giảm thêm 10,2% vào thứ Hai tại Hồng Kông, khiến mức giảm trong năm lên tới 84%. Chỉ số Hang Seng Property giảm 6,7% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, còn chỉ số Hang Seng giảm 3,3% khi kết thúc phiên. Thị trường Trung Quốc đóng cửa cho đến thứ Tư tuần này để nghỉ lễ, nhưng chỉ số FTSE China A50 giao dịch tại Singapore đã giảm hơn 3%.
Evergrande đã bắt đầu trả nợ cho các nhà cung cấp và nhà đầu tư bằng việc gán các căn hộ, bãi đậu xe và không gian thương mại thay cho các khoản thanh toán đang trễ hẹn. Tập đoàn này phải đối mặt với một loạt các khoản thanh toán phiếu trái phiếu bắt đầu từ thứ Năm tới. Nếu không thể trả các khoản tiền này trong vòng một tháng, Evergrande sẽ vỡ nợ.
Nhóm các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết: “Chính phủ cần quản lý việc Evergrande vỡ nợ hoặc tái cấu trúc thật thận trọng để hạn chế tác động lan rộng lên thị trường tài chính và bất động sản. Chính phủ cần sớm có thông điệp rõ ràng để củng cố niềm tin của thị trường và ngăn chặn các hiệu ứng lan tỏa từ sự việc này”.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo nếu chính phủ không đặt ra một “rào cản” ngăn chặn sự lan tỏa của việc Evergrande vỡ nợ đến các bộ phận khác của nền kinh tế, thì kết quả sẽ vô cùng khắc nghiệt. Trung Quốc có thể mất tới 4,1% GDP do thị trường nhà ở sụp đổ và các điều kiện tài chính bị siết chặt.
S&P Global Ratings cũng cho biết họ không cho rằng có “ảnh hưởng trên toàn hệ thống nếu Evergrande vỡ nợ”. Nhưng họ lưu ý rằng tình hình sẽ rất tồi tệ nếu Evergrande vỡ nợ một cách vô trật tự trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc đang suy thoái sâu sắc.
“Lĩnh vực này đang chứng kiến doanh số và giá cả lao dốc kể từ tháng 8 và có thể trượt dài hơn nữa”, S&P cho biết.
Cổ phiếu của Sinic Holdings, một nhà phát triển bất động sản ở Thượng Hải, đã giảm 87% trước khi giao dịch bị tạm dừng. Các nhà đầu tư lo ngại rằng công ty này có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho lượng trái phiếu trị giá 246 triệu đô la mà họ phải hoàn trả vào ngày 18 tháng 10, khi các nhà đầu tư đã chán nản với lĩnh vực bất động sản. Fitch Ratings tuần trước đã cắt giảm triển vọng của công ty này xuống mức tiêu cực.
Các nhà phát triển lớn của Hồng Kông cũng cảm thấy tác động tiêu cực từ vụ việc của Evergrande. Cổ phiếu của Sun Hung Kai Properties đã giảm 10%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2012, còn Henderson Land giảm 13%. Các nhà đầu tư cũng đang hoảng sợ bởi một báo cáo của Reuters vào tuần trước nói rằng Bắc Kinh đã cảnh báo các ông trùm bất động sản rằng họ sẽ bị trừng phạt vì “hành vi độc quyền”.
Cổ phiếu của công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc Ping An giảm 8,4%. Công ty này cho biết vào thứ Sáu tuần trước rằng họ không có liên hệ với Evergrande. Đồng thời, quỹ đầu tư bảo hiểm của họ có các khoản đầu tư cổ phiếu trị giá 63,1 tỷ Nhân dân tệ (9,8 tỷ USD) vào các nhà phát triển bất động sản nhưng phần lớn đều ổn định về mặt tài chính