Đây là thông tin được ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra hôm nay (1/8).
Báo cáo tại hội nghị ông Tuấn cho biết, trên cơ sở xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn NƠXH đến 2030 trên địa bàn toàn TP Hà Nội là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng NƠXH khoảng 12.500 tỷ đồng.
Để thực hiện chương trình này, Hà Nội đặt ra 5 giải pháp trong đó đẩy mạnh xây dựng các khu NƠXH độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội. Đây là chủ trương lớn của thành phố đã đề xuất với Chính phủ từ năm 2017.
“Đến nay 5 khu NƠXH tập trung này quy mô đất khoảng 280ha, chúng tôi đã bố trí ở khu vực Đông Anh khoảng 84ha, khu vực Thanh Trì, Thường Tín quy mô cũng là 4ha và một khu vực huyện Gia Lâm quy mô 55ha và một khu nữa ở Đông Anh với quy mô lớn khoảng gần 100ha. Dự kiến thời gian tới, sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn tương đương 38.000 căn hộ” – ông Tuấn thông tin.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, nội dung này Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2021. Và thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu NƠXH độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu NƠXH nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.
Là một trong những địa phương có căn hộ NƠXH chỉ khoảng trên 100-160 triệu đồng, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đã phát triển mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất đã được quy hoạch từ khi quy hoạch các khu công nghiệp, đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động (khoảng trên 100-160 triệu đồng/căn), kết hợp với chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để các đối tượng có khả năng tiếp cận.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 600.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho 1.500.000 người. Tuy nhiên, các khu nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư từ những năm 2000 không bảo đảm vệ sinh, môi trường, rất chật hẹp, chất lượng chưa cao, không hỗ trợ công tác phòng chống cháy, nổ khi có sự cố xảy ra…
UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn NƠXH, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa kiến nghị chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm NƠXH xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất được rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án NƠXH từ tối thiểu 600 ngày xuống còn 90-120 ngày.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group kiến nghị mở rộng đối tượng được mua NƠXH đối với tổ chức, cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
Phát triển NƠXH phù hợp khả năng chi trả
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, từ chiều 31/7 đến sáng 1/8, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1,28 triệu căn hộ NƠXH. Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân.
“Ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy có nhiều ưu đãi để kích thích động viên phát triển NƠXH cho công nhân. Nhưng qua đó, cũng thấy rằng tiến độ, thủ tục đầu tư liên quan tới quy định còn rất nhiều vấn đề có thể giảm bớt, ví dụ như về tiền kiểm, hậu kiểm để có NƠXH, phương án phân phối”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu lên tồn tại, khó khăn trong phát triển NƠXH hiện nay. Từ trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán NƠXH còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH, nhà ở công nhân. Mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 đến nay vẫn chưa được bố trí.
Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển NƠXH…
Kết luận hội nghị, nêu rõ mục tiêu phát triển NƠXH phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Để xây dựng và triển khai đề án này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án NƠXH đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng NƠXH nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.
“Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin”, Thủ tướng yêu cầu.