Theo các chuyên gia, chính sách cho nhà đầu tư cần ưu đãi đặc thù hơn, thậm chí có cơ chế thưởng để tăng thu hút tư nhân, nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí.
Việt Nam đang đứng trước thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh. Giai đoạn 2009-2014, khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ 2015-2019, mỗi năm chỉ có một hợp đồng và hai năm gần đây không có hợp đồng nào.
Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, chủ yếu là khí. Các mỏ đang khai thác ở trong giai đoạn cuối, sản lượng giảm dần. Một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước… Bởi vậy, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Điểm mới của dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi là đề cập các mức ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Cụ thể, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25% (thấp hơn 7% so với hiện tại); thuế suất xuất khẩu dầu thô 5% và tỷ lệ thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm (cao hơn 10% ưu đãi hiện tại).
Hiện nhiều nước trong khu vực cũng đưa ra các mức thuế suất ưu đãi thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn với nhà đầu tư lĩnh vực dầu khí, như Thái Lan là 20%, Malaysia và Trung Quốc là 25%, còn Myanmar 30%…
Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi ngày 26/7, các chuyên gia cho rằng vẫn cần thêm những ưu đãi đặc thù hơn để tăng thu hút đầu tư (tư nhân, nước ngoài) trong lĩnh vực dầu khí và tăng tiêu thụ nội địa.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), đề xuất ngoài việc cần có thêm các ưu đãi tốt hơn để mỏ dầu không bị bỏ phí, cũng nên có cơ chế thưởng nếu họ “đem lại chiếc bánh to hơn”.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu dầu thô lên gấp đôi, tức 10%… so với mức đưa ra tại dự thảo luật. Việc này, theo ông sẽ khuyến khích doanh nghiệp dầu khí tăng tiêu thụ trong nước, giảm xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó tránh xảy ra chuyện Việt Nam vừa là nước xuất khẩu, nhập khẩu dầu thô nhưng lại phải “mua đắt bán rẻ”, không đảm bảo an ninh năng lượng.
“Khai thác xong xuất đi hết, rồi lại nhập dầu thô về với giá cao hơn cho sản xuất, trong khi trữ lượng dầu thô tại nhiều mỏ ngày càng khan hiếm… sẽ khó đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Phong nói.
Ngoài ra, ông cho rằng dự thảo luật cần làm rõ các khái niệm về áp dụng chính sách ưu đãi trong xuất – nhập khẩu dầu thô, thậm chí cần bổ sung các quy định tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp họ không tuân thủ hợp đồng, cam kết cũng như sai phạm trong quá trình đầu tư.
“Đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư cũng nên có nguyên tắc thu hồi nếu họ sai phạm, để tránh lạm dụng”, ông bình luận.
Quy định về thu hồi ưu đãi cũng được ông Thành cho rằng “nên có vì đây là nguyên tắc thị trường”. Song, cách thể hiện trong luật thế nào để đảm bảo tính cảnh báo, môi trường đầu tư kinh doanh… cần được cân nhắc kỹ lưỡng.