Hút vốn đầu tư vào dầu khí là cần thiết trong bối cảnh trữ lượng ngày càng giảm, song các đại biểu lưu ý không phải bằng mọi giá và nên có ưu đãi ngoài thuế.
Ngày 15/6, Quốc hội thảo luận về Luật Dầu khí sửa đổi. Một trong những điều chỉnh luật lần này so với các quy định trước đây là đưa ra cơ chế, chính sách để tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí (thăm dò, khai thác…).
Góp ý kiến, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, nhận xét dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nhưng khai thác hiện nay rất khó khăn. Một số mỏ, lô dầu khí sản lượng khai thác đang suy giảm tự nhiên, cần đẩy nhanh gia tăng trữ lượng để tăng sản lượng. Năm 2012, số thu từ dầu thô chiếm 4,6% và giảm về 2,6% vào năm 2021.
Dự thảo luật đưa ra ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm từ 32% xuống còn 28%, không thu tiền sử dụng biển… Bà Mai cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thô diễn biến phức tạp, việc giảm thuế cần cân nhắc và “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”.
“Việc không thu tiền sử dụng khu vực biển đã áp dụng nhiều năm với ngành ‘siêu lợi nhuận’ như dầu khí thì có cần kéo dài chính sách ưu đãi này hay không?”, bà Mai nêu vấn đề trong bối cảnh Việt Nam từng có một số bài học đắt giá khi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, đại biểu tỉnh Thái Bình, các chính sách ưu đãi với hoạt động dầu khí hiện nay mới dừng lại ở ưu đãi về thuế, cần đa dạng hơn để nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng và thu hút đầu tư có chọn lọc.
Ông Hiếu đưa ra gợi ý có thể ưu đãi dựa trên giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (tax reduction) và giảm trừ thuế dựa trên chi phí (tax credit). Hai chính sách ưu đãi này đều đạt được các mục tiêu: tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, thúc đẩy họ rót vốn vào những hoạt động nước chủ nhà mong muốn.
Hiện các nước thảo luận về chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, dự kiến áp dụng vào cuối năm 2023. Ông Hiếu lấy ví dụ, một công ty đa quốc gia có doanh thu cả trăm triệu USD, họ sẽ phải nộp mức thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu 15%. Nếu họ đầu tư ở nhiều quốc gia, mà tổng thuế một năm chỉ ở mức thuế suất này, thì sẽ phải nộp phần thuế còn lại ở quốc gia nơi họ có trụ sở chính.
Nếu chính sách này được áp dụng, theo ông Hiếu sẽ tác động rất mạnh tới các phương thức mà Việt Nam đang áp dụng để thu hút đầu tư. Nó cũng tác động tới các nhà đầu tư đã, đang hoạt động ở Việt Nam. Vì thế, ông kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết kỳ họp lần này, Chính phủ nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện tác động của thuế này với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của nước ngoài, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu TP Hà Nội cũng cho rằng việc áp dụng thuế suất tối thiểu thu nhập doanh nghiệp toàn cầu là một yếu tố phải cân nhắc khi đưa ra chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật đặc thù như dầu khí. “Chúng ta phải tính toán để không thua kém các nước trong khu vực”, ông bình luận.
Giải trình, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế suất doanh nghiệp đã được đề xuất trên cơ sở tham khảo chính sách của các nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định về thủ tục ưu đãi đầu tư, thời hạn xác định nhà thầu, lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, điều kiện để áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt…
Ông An nói thêm, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định về các hình thức và cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài ưu đãi về thuế và mức chi phí để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trên biển.
Cần làm rõ vai trò của PVN
Ở lần sửa đổi này, dự Luật Dầu khí dành một chương quy định về vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng việc dành hẳn một chương riêng về PVN là “quá nhiều”, và chỉ cần quy định trong một điều luật, nêu rõ việc uỷ quyền quản lý nhà nước của Chính phủ cho doanh nghiệp này.
Trong khi đó, ông Đào Hồng Vận (đại biểu tỉnh Hưng Yên) đồng ý việc có một chương riêng quy định vai trò của PVN nhưng đề nghị dự luật cần quy định, phân tách rõ vai trò quản lý nhà nước theo uỷ quyền của Chính phủ và doanh nghiệp, nhà thầu dầu khí, để tránh xung đột lợi ích…
Góp ý kiến, bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đại biểu tỉnh Bến Tre) nói, quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền của PVN tại dự thảo luật còn “nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm và dễ phát sinh tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền”.
Bà đặt vấn đề, PVN là doanh nghiệp nhà nước thì có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dầu khí hay không? Nếu có, PVN chịu sự điều chỉnh theo điều luật nào, ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này? Tập đoàn cũng chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước?
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu TP HCM đồng ý kiến. Ông cho rằng PVN xuất hiện với tư cách là một bên ký hợp đồng, có lúc xuất hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, nên nếu có tranh chấp, vẫn có thể quy cơ quan quản lý nhà nước có lỗi trong quá trình thực thi quản lý nhà nước.
Vì thế, theo bà Thủy, ông Nghĩa, dự luật cần thiết kế lại chương quy định về quyền, trách nhiệm của PVN theo hướng quản lý nhà nước, trong đó bóc tách và quy định thành các điều riêng về trách nhiệm, quản lý nhà nước lần lượt của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và PVN.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An nói sẽ “tiếp thu tối đa góp ý của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện lại quy định để làm rõ hơn vai trò 2 tư cách của PVN là doanh nghiệp nhà nước hoạt động dầu khí được thực hiện ký kết hợp đồng như một nhà thầu độc lập và thực hiện một số nhiệm vụ do Chính phủ giao về quản lý hoạt động dầu khí.