Việc xóa trạm thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) bằng việc sử dụng nguồn thu của cao tốc TPHCM – Trung Lương đã được đề xuất. Thế nhưng, cơ sở nào để thực hiện một đề xuất hết sức vô lý như vậy?

10

Không thể sử dụng tiền thu phí cao tốc TPHCM- Trung Lương để hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy. Trong ảnh là trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Trung Chánh

Đề xuất nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Ủy ban Kinh tế Quốc hội với Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về tình hình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và sự cần thiết phải thu phí trở lại tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương diễn ra ở tỉnh Tiền Giang hôm 11-10.

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho rằng, việc hoàn thành cao tốc TPHCM – Cần Thơ sẽ giải quyết triệt để ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1, tạo động lực cho phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, lưu lượng xe trên quốc lộ 1 sẽ giảm, dẫn đến nguy cơ không thể hoàn vốn được cho dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy. Điều này, dẫn đến nhà đầu tư tuyến tránh Cai Lậy lâm vào tình trạng khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn tín dụng của ngân hàng tài trợ cho dự án.

Chính lý do nêu trên, ông Thủy kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận giải pháp xóa trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Đồng thời, giao ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Vietinbank – được xác định là ngân hàng đầu mối, cùng với một số ngân hàng khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vay vốn – PV) và dự án tuyến tránh Cai Lậy (BIDV cho dự án này vay vốn – PV) quản lý, sử dụng nguồn thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để đảm bảo việc vay và xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy.

Việc thu phí tại tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương được đề xuất giao cho Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 – đơn vị đầu tư dự án BOT Cai Lậy – thực hiện, theo báo Tuổi Trẻ.

Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 12-10, liên quan vấn đề nêu trên, ông Võ Hùng Dũng, Cựu giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, việc đấu thầu quyền thu phí trở lại đối với dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương hoặc Nhà nước giao cho một đơn vị thay mặt thu tiền để phát triển các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông, việc sử dụng nguồn thu từ thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để bù cho dự án BOT Cai Lậy là hoàn toàn không thể được.

Cũng theo ông Dũng, các dự án như trục đường cao tốc Bắc – Nam (cao tốc TPHCM đến Cần Thơ thuộc cao tốc Bắc – Nam – PV) hay các trục giao thông xương sống khác trong vùng ĐBSCL tất cả đều đã có quy hoạch trước 5-10 năm, tức chủ đầu tư BOT Cai Lậy và cả ngân hàng tài trợ vốn cho dự án (BIDV) khi triển khai đã biết trước sự việc, thành ra việc đổ lỗi cao tốc TPHCM – Cần Thơ hoàn thành dẫn đến lưu lượng xe trên quốc lộ 1 giảm, gây thiệt hại là không có căn cứ.

“Không thể lấy tiền thu của dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương để bù cho Cai Lậy (BOT Cai Lậy – PV) được; không thể lấy chuyện nọ, xọ qua chuyện kia, một sự nhập nhèm lấp liếm như vậy được”, ông Dũng tái khẳng định.

Ông Dũng nêu câu hỏi: “Dựa trên cơ sở luật nào để tham chiếu làm việc đó?” và cho rằng, không có luật nào chấp nhận như vậy hết.

Để giải quyết vấn đề ở trạm BOT Cai Lậy, theo ông Dũng: thứ nhất, nhà đầu tư phải chấp nhận phá sản và ngân hàng cho vay vốn cũng phải chịu rủi ro; thứ hai, do Tiền Giang là địa phương hưởng lợi của dự án BOT Cai Lậy, cho nên, địa phương này phải gánh 1 phần trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn cho chủ đầu tư; thứ ba, Bộ Giao thông Vận tải cũng phải chịu trách nhiệm và tìm cách nào đó hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *