Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ mở rộng đối tượng có thể tiếp cận thông tin sâu của doanh nghiệp, tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.

Tại buổi hội thảo “Góp ý dự luật Đầu tư và Doanh nghiệp (Sửa đổi)” do Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) – cơ quan được giao góp ý, sửa đổi Luật Doanh nghiệp – đã chia sẻ về những thay đổi quan trọng của luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sắp tới.

12

Ông Hiếu cho biết, Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2014 đã tạo ra bước đột phá trong việc hình thành doanh nghiệp mới và mở rộng hoạt động kinh doanh. Tính tới thời điểm năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký lên tới 1,478 triệu tỉ đồng. Con số này cao gấp 1,75 lần số doanh nghiệp thành lập mới và 3,4 lần số vốn đăng ký mới so với năm 2014 khi Luật Doanh nghiệp chưa có hiệu lực.

Tuy nhiên, qua bốn năm áp dụng, Luật Doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, không còn phù hợp với thực tiễn. Một số nội dung cần được hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, tăng mức an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Chia sẻ về những thay đổi lớn trong dự Luật Doanh nghiệp, ông Hiếu cho biết có năm thay đổi chính.

Một là đơn giản hoá thủ tục gia nhập thị trường. Hai là nâng cao khung pháp luật bảo vệ nhà đầu tư. Ba là nâng cao hiệu quả quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Bốn là hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh. Cuối cùng là tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có thể sẽ bãi bỏ, thay đổi một vài quy định liên quan tới quyền cổ đông, mở rộng đối tượng cổ đông tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty, tham gia các quyết định quan trọng của công ty nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.

Ví dụ, các khoản 2 Điều 114, khoản 4 Điều 149 Luật Doanh nghiệp yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong vòng sáu tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị.

Theo ông Hiếu, yêu cầu này quá cao so với thực tế. Vì thế, trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi có thể loại bỏ yêu cầu sở hữu sáu tháng liên tục và cổ đông chỉ cần sở hữu tối thiểu 1% cổ phần là đã có những quyền nêu trên.

“Hiện nay, người dân chưa đủ lòng tin với người đứng đầu doanh nghiệp, nên việc thay đổi quy định để bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ là cần thiết để huy động vốn trong dân cư. Cùng với đó, việc thay đổi quy định sẽ giúp chúng ta đi trước các nước trong khu vực về bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ”, ông Hiếu nói.

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Xung quanh việc việc sửa đổi quy định nêu trên trong Luật Doanh nghiệp còn nhiều ý kiến trái chiều.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Phan Lê Hoàng cho rằng, việc loại bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay mới.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% là không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm của cổ đông lớn. Do vậy nên giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần cổ đông hoặc nhóm cổ đông trở lên theo quy định cũ”, đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương góp ý.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom, cho rằng việc minh bạch tài chính và báo cáo thông tin với cổ đông là rất quan trọng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quản trị doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh cũng rất quan trọng.

Theo ông Việt, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sở hữu có quyền tiếp cận thông tin và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp có thể gây tình trạng đối thủ cạnh tranh mua cổ phần và gây khó dễ cho doanh nghiệp.

“1% cổ phần doanh nghiệp là không lớn và nó có thể làm khó dễ cho doanh nghiệp, cùng với đó là chi phí quản trị doanh nghiệp sẽ tăng cao”, ông Việt nói.

Đồng quan điểm với ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, trong quản trị công ty, hiện quyền của cổ đông nhỏ lẻ vốn ít được quan tâm. Theo khuyến nghị của OECD thì phải bảo vệ cổ đông góp vốn, kể cả cổ đông nhỏ lẻ. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đứng thứ hạng rất thấp trong bảo vệ quyền lợi cổ đông theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo ông Tuấn, việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ tất nhiên sẽ làm tăng chi phí về quản trị. Nhật bản cũng có hệ quả, như việc cổ đông quấy phá. Tuy nhiên, hiện tượng này chưa thấy phổ biến ở Việt Nam.

“Nên việc hạ tỷ lệ cổ phần để có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp là phù hợp, nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì cũng nên cân nhắc”, ông Tuấn phát biểu.

Ông Tuấn cho rằng, tỷ lệ 1% là thông lệ tương đối tốt để khuyến khích người dân bỏ vốn vào kinh doanh. “Khi cổ đông có 1% thì quyền lợi của họ cũng đã được gắn bó với doanh nghiệp. Và việc giảm theo xu hướng này sẽ làm thứ hạng về bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam tăng cao theo đánh giá của WB”.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *