Chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ
Phát biểu tại hội nghị, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái, khả năng còn tiếp tục mất giá rất đáng kể. Vì vậy, câu chuyện đặt ra là thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa chúng ta phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.
Ông Nghĩa cũng nêu một số vấn đề cần lưu ý trong điều hành doanh nghiệp thời gian tới, nhất là liên quan tới điều hành lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi từ nay đến cuối năm doanh nghiệp còn khoảng 70 nghìn tỷ đáo hạn, dự báo trong năm tới cần 140 nghìn tỷ đáo hạn.
Về quan điểm về xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và chống chịu cao hơn, ông Nghĩa cho rằng cần hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống bán lẻ với các doanh nghiệp trong nước, bởi hiện nay về hệ thống bán lẻ người Việt chỉ còn sở hữu khoảng 30%, còn lại 70% là sở hữu nước ngoài.
Theo ông Nghĩa, để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát
GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá kết quả tăng trưởng trong 8 tháng vừa qua hết sức ngoạn mục. Chúng ta không nghĩ được rằng cuối năm 2021 và thời điểm này chúng ta có những kết quả này. Điều này cũng dự báo một điều có lẽ năm nay Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới.
Nhìn về bối cảnh của thời gian tới, ông Cường cho rằng áp lực về lạm phát của Việt Nam có lẽ chúng ta vượt qua ở quý II. “Từ nay đến cuối năm tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ không còn đe dọa nặng như giai đoạn trước”, ông Cường nói.
Lý giải cho điều này, ông Cường cho biết chi phí đẩy là yếu tố chính của lạm phát, các yếu tố đầu vào đã tương đối kiểm soát được, chính sách điều hành tiền tệ vừa qua cũng “chắc tay”. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chính sách chắc tay như thế thì chúng ta sẽ đưa tình hình lạm phát thấp.
Theo ông Cường, có lẽ rủi ro lớn nhất cuối năm nay và sang năm là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới kéo theo tăng trưởng chậm của chúng ta, thậm chí nhiều khó khăn. Suy thoái kinh tế thế giới có thể nhìn thấy khá rõ và điều này đang thu hẹp thị trường thế giới, dẫn đến chúng ta là một nước xuất khẩu cũng bị bó hẹp thị trường.
Theo chuyên gia, phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ.
“Tôi cho rằng tác động này ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực FDI vì nhiều sản phẩm liên quan đến xuất khẩu còn khu vực trong nước, tác động này có lẽ thấp hơn vì phần lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước mang tình thiết yếu và mức độ điều chỉnh không mạnh như sản phẩm của FDI”, ông Cường nhận định.
Chính vì thế, theo ông giai đoạn này có lẽ cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi để lấy lại đà phát triển, tạo ra vị thế, chỗ đứng để nếu như nền kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng thì chúng ta cũng giữ được thị trường trong nước.
Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hiện nay, ông Cường cho rằng cần thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt. Cần bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cần phải mở rộng thêm 2 yếu tố để kiểm soát tăng trưởng.
Theo đó, những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân chung thì tốc độ tăng trưởng phải cao hơn ngân hàng khác. Những ngân hàng duy trì được khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất vay thấp thì các ngân hàng đấy cũng sẽ được tăng trưởng tín dụng cao.
Ông Cường cho rằng, nếu sử dụng những chỉ tiêu này thì sẽ biết được các ngân hàng thực sự quản trị tốt, có mức hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, không xảy ra tình trạng các ngân hàng chạy đua để tăng lãi suất. Tất nhiên làm việc này vô cùng khó khăn đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực cho ngân hàng nhà trước trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng thông qua hệ thống về số hóa.
“Có lẽ từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất có lẽ là áp lực về kiểm soát tỷ giá. Chúng ta không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền. Phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường. Nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá, nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp thì khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ”, ông Cường kiến nghị.
Ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, thế giới đang trong thời kỳ bất ổn, không biết kéo dài đến bao giờ và có bất ổn hơn không. Mặc dù từ đầu năm, tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô đã chống chọi lại bất ổn của thế giới tương đối thành công, nhưng không biết sắp tới sẽ như thế nào, nên thách thức là rất lớn.
Ông Lịch cho rằng, đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản? Ông Lịch cho là không cần, vấn đề quan trọng là nguồn vốn ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào, tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp…
Cuối cùng, phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ.