Ban hành kèm theo Quyết định là Quy định về an toàn phóng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, quy định trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân; điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh và các cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Với nhà ở riêng lẻ, theo quy định, chủ hộ gia đình phải đảm bảo và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình theo quy định tại Nghị định số 136 ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
Cụ thể, gian phòng để ở bố trí gần cầu thang, lối ra thoát nạn và ngăn cách với khu vực, gian phòng có bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Không bố trí gian phòng bảo quản, tích trữ xăng, dầu, hoá chất dễ cháy, nổ trong nhà.
Gian phòng, khu vực để ô tô, xe máy, máy phát điện dự phòng và phương tiện, thiết bị khác có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu phải được ngăn cách hoặc có khoảng cách an toàn đến lối ra thoát nạn và nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt của nhà nhằm giảm thiểu nguy cơ gây cháy, cháy lan, bảo đảm an toàn thoát nạn cho người. Trường hợp các gian phòng, khu vực bố trí trong không gian kín phải duy trì thường xuyên giải pháp thông gió phù hợp với đặc điểm của nhà.
Với nhà có tầng hầm, tầng bán hầm, phải có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà.
Theo quy định, nhà ở riêng lẻ phải có 1 lối ra thoát nạn, phải bố trí tối thiểu 1 lối ra khẩn cấp (qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc lối xuống bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà) để thoát nạn khi cần thiết. Trường hợp lối thoát qua lồng sắt, lưới sắt, phải có ô cửa có kích thước tối thiểu 0,6 x 0,8m để cho người di chuyển thuận lợi.
Trên đường, lối đi, cầu thang thoát nạn không được sử dụng vật liệu dễ cháy để thi công, lắp đặt, trang trí; không bố trí, lắp đặt vật dụng, thiết bị nhô ra khỏi mặt tường có độ cao dưới 2m; không lắp đặt gương soi trên đường, lối đi, cầu thang bộ thoát nạn. Chiều rộng của lối đi, bản thang thoát nạn phải đảm bảo cho người di chuyển thuận lợi.
Lối ra tại tầng 1 phải thoát trực tiếp ra ngoài; trường hợp thoát qua gian phòng khác, phải duy trì chiều rộng lối đi và khoảng cách an toàn đến các vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Không bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gầm cầu thang, buồng thang bộ, trên hoặc liền kề với đường, lối thoát nạn.
Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng 1 phải sử dụng cửa bản lề; trường hợp sử dụng cửa cuốn, cửa trượt thì phải duy trì chế độ thường mở của các cửa này trong thời gian có người trong nhà, trong gian phòng; cửa cuốn phải có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc hỏng động cơ.
Căn cứ quy mô của ngôi nhà, chủ hộ gia đình phải trang bị các bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực), đèn chiếu sáng sự cố đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; vị trí đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, thoát nạn khi sự cố cháy, nổ xảy ra.
Nhà ở riêng lẻ có thể trang bị bổ sung hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy bằng nước, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt cứu người để tăng cường giải pháp an toàn cho ngôi nhà. Biển quảng cáo lắp đặt bên ngoài nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, không cản trở đường loát nạn, lối ra thoát nạn và lối ra khẩn cấp của nhà.
Xem thêm tại
Krish Nguyen