Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đã xác định 5 chiến lược phát triển thành phố. Trong đó chiến lược đầu tiên là bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên.
4 chiến lược còn lại là phát triển văn hóa – xã hội; phát triển du lịch – ngành kinh tế chính của thành phố; đa dạng hóa hoạt động kinh tế, phát triển kinh tế bền vững; phát triển thành phố thông minh.
Đâu là vùng đất phát triển mới?
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 cũng đã xác định 16 định hướng phát triển không gian tổng thể thành phố.
Cụ thể là nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có; phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông ra biển – khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên đảo.
Xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở, bao gồm hệ thống mặt nước biển, sông, hồ, đầm gắn với hệ thống công viên, quảng trường công cộng ven biển, ven sông, trên vùng núi (các điểm ngắm cảnh, đường dã ngoại, lâm viên…), trong vùng đồng trũng, trong các khu đô thị… làm trung tâm, làm khung định dạng, tạo bản sắc và nâng cao giá trị cho không gian xây dựng, thúc đẩy, đồng thời kiểm soát các không gian phát triển đô thị và du lịch.
Tổ chức các khu trung tâm đô thị gắn với các không gian mở công cộng trong lòng thành phố. Các không gian mở công cộng chính đồng thời được tổ chức là các không gian điểm nhất cảnh quan quan trọng để phục vụ người dân thành phố và thu hút du khách.
Tổ chức đô thị đa trung tâm, với trung tâm chính là dải đô thị ven biển và các khu trung tâm khác tại: khu vực sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái Đồng Trũng phía Nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre, dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh các công viên trong mỗi khu đô thị.
Phát triển các khu công viên chức năng chuyên đề gắn với các giá trị sinh thái tại các khu vực: rừng ngập mặn phía Nam đường Phong Châu; trên núi Hòn Rớ; núi Cô Tiên; núi Chín Khúc; trên biển Vĩnh Hòa; trên biển Vĩnh Lương; trên vùng núi phía Tây quốc lộ 1A thuộc xã Vĩnh Lương, Vĩnh Phương.
Định hướng phát triển không gian thành phố cũng xác định việc chú trọng cải tạo, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu. Hạn chế đền bù, giải tỏa, đồng thời tăng cường tái định cư tại chỗ,…
Về hệ thống các trung tâm chuyên ngành, một số công trình trụ sở cơ quan của thành phố, của tỉnh có thể di chuyển, quy hoạch mới ra các khu đô thị mới như khu đô thị phía Nam đường Phong Châu (10 ha), khu đô thị mới tại Vĩnh Phương (khoảng 10 ha),…
Trong định hướng phát triển toàn tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Nha Trang được định hướng duy trì là thành phố trong thành phố Khánh Hòa.
Về định hướng phát triển, thành phố Nha Trang sẽ được phát triển theo 16 phân khu, phù hợp với đặc điểm hiện trạng và tiềm năng phát triển của từng phân khu, để mỗi khu vực có thể phát triển một cách năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế – xã hội – cảnh quan.
HĐND thành phố Nha Trang giao UBND thành phố phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt.