Đoàn Văn Tùng, nhà sáng lập và điều hành công ty TNHH Công nghệ phát triển iGreen và Tô Quốc Bình, nhà đồng sáng lập công ty iGreen kêu gọi các Shark đầu tư 25 tỷ cho 35% cổ phần để đầu tư mua sắm dây chuyền tạo hạt nguyên liệu phân hủy sinh học.
Hạt nhựa sinh học của iGreen được sản xuất từ nguyên liệu chính là tinh bột mì, tinh bột sắn của Việt Nam dựa trên nền Bio-PBS và PBAT. Hạt nguyên liệu này đã được chứng nhận TUV (chứng nhận an toàn sản phẩm trên toàn thế giới) bao gồm kiểm tra về độ phân hủy sinh học, các hạt nhựa kim loại nặng, độc tố sinh thái. Tại Việt Nam, chỉ có 4 đơn vị được TUV cấp chứng nhận. Có 2 công ty đã thương mại hóa trên thị trường là một công ty ở Hà Nội và ở TP. Hồ Chí Minh là iGreen.
Tùy vào ứng dụng, hạt nguyên liệu sinh học này có thể tạo ra sản phẩm cuối bằng 3 công nghệ thổi đùng, ép phun và ép đúc với mức giá cho ép phun tạo màng khoảng 80.000 – 82.000Đ/kg, ép phun khoảng 95.000 – 100.000Đ/kg
Vào tháng 4/2020, iGreen bán sản phẩm cuối là túi bao bì và ống hút cho cho chuỗi nhà hàng, hệ thống khách sạn 5 sao. Doanh thu là 800 triệu đồng và lợi nhuận ròng là 15%.
Lúc này Shark Liên thắc mắc: “Sao em không nghĩ sản xuất ra cái hạt này cho nhà sản xuất ra cái này (túi đựng) thôi?” Đoàn Văn Tùng cho biết: “Đó là cái em đang có nhu cầu. Nếu làm bao bì em chỉ tưới được một góc của cánh đồng thôi, còn làm ra hạt em tưới cả cánh đồng”. Tô Quốc bình giải thích thêm: “Bên em gọi vốn để sản xuất hạt. Tụi em phải đi từ cái cuối, ra sản phẩm cuối để thuyết phục người tiêu dùng. Cái hạt này là hạt chính thức của bên em”.
Shark Hưng đặt câu hỏi: “Bạn dùng toàn bộ tiền của Shark để đầu tư cho dây chuyền sản xuất mà tại sao lại chỉ được 35%… Còn 65% đi đâu”?
Đoàn Văn Tùng lý giải: “Tụi em có về công nghệ, con người… Tụi em có 3 người. Em là người sáng lập, Bình là người sáng lập và 1 bạn chuyên gia R&D. Chuyên gia R&D là người Việt Nam tốt nghiệp tại Ý và sở hữu 2 sáng chế về vật liệu sinh học”.
Hai nhà đồng sáng lập startup hạt nhựa sinh học iGreen
Phân tích sâu hơn về lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, Đoàn Văn Tùng cho biết R&D là một thế mạnh trong ngành sản xuất. “Ví dụ túi này nhập từ Trung Quốc có độ dày 25 micron. Trong khi đó, sản phẩm của iGreen thổi mỏng chỉ có 18 micron. Thay vì túi nặng 1 ký được khoảng 100 cái thì em có tới 120 cái bán lời từ 10 – 15%… cái đó là nhờ nguyên liệu”, Đoàn Văn Tùng lý giải.
Chia sẻ về kế hoạch sử dụng vốn và bức tranh tài chính trong tương lai, nhà sáng lập iGreen cho biết sẽ đặt nhà máy tại Bình Dương hoặc Đồng Nai, gần cảng Cát Lái để có thể xuất khẩu. “Em đã tính ra bức tranh nếu 5 năm sau thì doanh số máy 4.000 tấn, doanh thu khoảng 350 tỷ, lợi nhuận tính là 15% tính theo giá trị thấp nhất. Có thể cao hơn tùy theo cách chế biến nguyên liệu”, Đoàn Văn Tùng cho hay.
Tuy nhiên, nhà sáng lập iGreen lại có phần lúng túng khi Shark Hưng liên tiếp đặt câu hỏi về khả năng tăng trưởng mỗi năm, lợi nhuận, công suất.
Shark Phú phân tích: “Nguyên tắc gọi vốn, nhà đầu tư chỉ quan tâm doanh số, lợi nhuận thôi… em phải nhớ chứ. Định giá công ty là dựa trên cái đấy mà” và nhận định “Thực ra Việt Nam đã có công ty làm ra 3.000, 4.000 tỷ doanh số ngành này rồi, bọn em vào anh nghĩ đã rất muộn rồi”.
Đoàn Văn Tùng tiếp tục lập luận: “Hiện tại tại Việt Nam chỉ có một công ty tương đồng với tụi em. Những công ty khác chính em là người chuyển giao công nghệ sản phẩm đó”.
Shark Phú quyết định không đầu tư vì đã đầu tư vào một công ty nhựa sinh học.
Shark Hưng đưa ra lời đề nghị đầu tiên với mức 25 tỷ cho 75% cổ phần và phân tích: “Tôi bỏ ra toàn bộ tiền đầu tư cho máy móc thiết bị, còn nhà xưởng chắc mất thêm khoảng một tí xíu nữa không đáng kể, đất đai thì đi thuê. Bạn góp bằng 3 người. Để fair (công bằng) tôi góp 25 tỷ cho 35% góp bằng tiền. Tôi đề nghị tên tôi góp vào 40% nữa. Vì bạn góp bằng tên bạn, tôi cũng góp bằng tên tôi”.
Giải thích rõ hơn về cách tính giá trị công ty, Đoàn Văn Tùng nói: “Em tính giá trị công ty dựa trên dòng tiền tương lai. Thị trường nhựa tổng hợp của Hiệp hội Nhựa Việt Nam năm 2020 là Việt Nam mình nhập khẩu 6,61 triệu tấn nhựa, doanh thu toàn ngành là 22,8 tỷ USD. Trong đó nhựa bao bì chiếm 36%. Nếu mình thay thế 1% của thế giới thì mình 1 năm nhựa một lần khoảng hơn 20 ngàn tấn. Em tin điều đó sẽ xảy ra vì Việt Nam đã có lộ trình hết rồi”. Đoàn Văn Tùng cũng nhấn mạnh lại rằng trên thị trường chưa có túi giống của mình và iGreen đã được cấp chứng nhận.
Shark Louis chưa quyết định ngay mà đặt ra câu hỏi tìm hiểu kỹ hơn về đối thủ, khách hàng, cách định giá công ty. Đoàn Văn Tùng cho biết iGreen hướng tới 50% khách hàng ở trong nước, 50% xuất khẩu. Hiện tại startup đã có 30 khách hàng sử dụng sản phẩm cuối. Tuy nhiên khi đã sản xuất hạt nguyên liệu, iGreen sẽ chỉ cung cấp hạt.
“Nếu mà tính về dòng tiền tương lai như em nói thì em phải chứng minh là có đăng ký LOI hay một hợp đồng từ phía mua sản phẩm bên em”, Shark Louis giải thích. Khi startup cho biết mình đã có MOU (Biên bản ghi nhớ), Shark Louis nhận định “cái đó không có giá trị”. Tiếp đó Shark Louis cũng từ chối đầu tư và giải thích: “Những vấn đề bọn em đang làm rất phù hợp nhưng các cổ đông yêu cầu phải có doanh thu, lợi nhuận và có gì đó đảm bảo nhà đầu tư. Dù anh đang mong muốn tìm kiếm những công ty như thế này nhưng chưa tới thời gian để đầu tư vào”. Tuy vậy, Shark Louis cũng mong muốn startup phát triển và liên lạc lại khi mạnh mẽ hơn.
Shark Bình cũng đưa ra phân tích: “Các bạn hướng đến sản xuất hạt nhựa sinh học này nhưng có đến hàng nghìn công ty trên thế giới cũng sản xuất được. Chất lượng của bạn hơn hay không vẫn phụ thuộc vào 2 thứ: nguyên liệu và máy móc công nghệ. Máy móc bạn nhập thì không thể nói bạn hơn người ta được. Nguồn nguyên liệu tôi nghĩ cũng chẳng hơn được”.
Startup hạt nhựa sinh học được Shark Liên rót vốn triệu USD
Tô Quốc Bình giải thích: “Tuy có thể mua dây chuyền từ nước ngoài nhưng nếu không có R&D thì đối với ngành bioplastics (nhựa sinh học) này là không hề dễ dàng. Đối với bioplastics, từ phòng thí nghiệm ra công nghiệp rất gian nan. Đến khi xin được chứng nhận là gian nan tiếp theo”.
Đánh giá startup thiên về truyền thống sản xuất, không phù hợp với khẩu vị đầu tư thiên về chuyển đổi số nên Shark Bình cũng quyết định không đầu tư. Shark Bình dành khuyên startup: “Đối với các startup truyền thống như bên em khi đi gọi vốn và bỏ công thì không nên đưa ra tỷ suất nhân của định giá quá cao. Thông thường nhà đầu tư bỏ vốn chiếm một nửa, tôi bỏ công, bỏ sức, tôi chiếm một nửa là cùng”.
Shark Liên đưa ra nhận định: “Hạt nhựa này tôi biết tiềm năng rất lớn. Nếu thực sự đầu tư nghiêm túc với những gì đang có bản quyền thì tôi nghĩ là nghìn tỷ cũng chưa ăn thua”. “Nữ cá mập” cũng giới thiệu về lợi thế có đất để làm nhà xưởng, iGreen không cần đi thuê và hứa hẹn sẽ đem công nghệ ở Đức về cho startup vì có quen một viện nghiên cứu ở Leipzig, Đức. “Và chúng ta sẽ là một team (đội ngũ) để đưa sản phẩm thực sự đúng theo tiêu chí đến môi trường, giảm bớt rác thải và cân bằng hệ sinh thái trên trái đất”, Shark Liên kết luận.
Shark Liên đề nghị đầu tư 25 tỷ cho 49% cổ phần và cho biết sẽ tặng lại cho chồng. Shark lý giải: “Tôi muốn dành riêng cho người đàn ông trợ giúp, hỗ trợ tôi không có bất cứ điều kiện gì trong cuộc đời này để tôi có thể thăng hoa, được sống tự do với ước mơ của mình. Chồng tôi là người đàn ông rất tâm huyết với môi trường, lĩnh vực về hạt nhựa này”.
Trước lời bộc bạch của Shark Liên, Shark Hưng buộc phải nhường bước. Shark Hưng chia sẻ: “Shark Liên có thể hỗ trợ được cho các bạn đất đai, công nghệ, tiền bạc. Nếu chỉ dừng lại ở đó tôi sẵn sàng “chiến đấu” với Shark Liên ngay. Nhưng lời nói cuối cùng của Shark Liên là dành tất cả cho người đàn ông của Shark Liên mà tôi nhảy vào chiến đấu thì tôi không muốn làm Shark Liên buồn”.
Shark Bình đánh giá đề nghị của Shark Liên là hợp lý vì: “Với business (doanh nghiệp) như bên em, có người bỏ tiền để mình làm, mình cháy bỏng với khát khao của mình là tốt rồi”.
Nhận định “Shark Liên rất tâm huyết với môi trường xanh, tương lai xanh. Tụi em cần người đồng hành trong thời gian dài” nên startup đã đồng ý đề nghị của Shark Liên.
Sau khi hoàn thành phần trình bày của mình trước các Shark, đại diện của iGreen chia sẻ: “Mình ấn tượng với Shark Liên vì Shark Liên thấu hiểu được iGreen cần sự trợ giúp gì. Team iGreen sẽ đồng hành với Shark Liên và bay xa hơn nữa”.