Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Xuân Dũng, cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, khẳng định nhà ở xã hội chỉ được mua bán, chuyển nhượng giữa các đối tượng thuộc diện ưu đãi mua nhà ở xã hội.
Ông Dũng nói, việc bổ sung quy định này vào dự thảo Luật nhà ở sẽ bảo đảm chính sách hỗ trợ phát triển về nhà ở xã hội của Chính phủ dành riêng cho những người thuộc diện ưu đãi, không bán thương mại.
Dự thảo Luật nhà ở đang lấy ý kiến góp ý các bên liên quan đề cập tới hai phương án chuyển nhượng nhà ở xã hội, phương án 1 chỉ cho phép chủ sở hữu nhà ở xã hội được bán nhà sau 5 năm thuê, mua; phương án 2 chủ sở hữu nhà ở xã hội được bán nhà sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính mua nhà.
Nhưng ông Dũng cho hay phương án 1 không khả thi nên Bộ Xây dựng sẽ đề xuất áp dụng phương án 2. Và việc sửa đổi Luật nhà ở lần này sẽ quy định theo hướng cho phép chủ sở hữu nhà ở xã hội sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính mua nhà, có “sổ đỏ”, được bán nhà cho những người thuộc diện ưu đãi mua nhà ở xã hội, chứ không được bán cho người không thuộc diện được ưu đãi. Điều này bảo đảm quyền tài sản của người dân và các ưu đãi nhà ở xã hội của Chính phủ chỉ dành cho đối tượng được hưởng ưu đãi.
Trước đây, chúng ta quy định được bán nhà ở xã hội theo dạng thương mại sau 5 năm thuê, mua sử dụng, kèm theo điều kiện chủ sở hữu phải đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Nhưng quy định này thực tế rất khó thực hiện, một dự án nhà ở xã hội có hàng trăm căn hộ nhưng chỉ một hộ bán nhà theo diện thương mại thì rất khó khăn trong xác định tiền sử dụng đất họ phải nộp cho Nhà nước tại thời điểm chuyển nhượng, ông Dũng nói.
Việc xác định giá bán nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đưa ra hai phương án, đó là giữ nguyên như quy định hiện hành tại thời điểm làm xong móng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ định giá bán nhà ở xã hội. Bản chất đây là giá tạm tính và phải chờ đến sau quyết toán công trình mới có giá bán chính thức.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật nhà ở phương án doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được quyền xác định giá bán nhà ở xã hội ngay ở thời điểm bán nhà theo chi phí, doanh thu của họ. Nhà nước chỉ khống chế cứng lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp đầu tư dự án là 10%, sau này khi hậu kiểm bằng hình thức kiểm toán quyết toán, nếu lợi nhuận dự án vượt lên 12% thì chủ dự án phải nộp lại 2% cho Nhà nước. Quy định như thế này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Theo dự thảo Luật nhà ở thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê, được hưởng một loạt ưu đãi như: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất ở của dự án
Được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 70% mức thuế phải đóng so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.
Chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất ở hoặc 20% diện tích sàn nhà trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để kinh doanh.
Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, để bán.
UBND cấp tỉnh sẽ hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án.