Việc không xử lý nghiêm xây dựng nhà kính trái phép sẽ tạo mầm mống xây dựng khu du lịch trái phép núp bóng dự án nhà kính.
Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tháo dỡ 227ha nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trước ngày 30/9 để dẹp hậu họa sử dụng đất nông – lâm nghiệp núp bóng xây dựng nhà kính, sau đó biến thành khu du lịch trái phép.
Dọc QL20 có rất nhiều nhà kính trái phép trên đất nông nghiệp
Núp bóng nhà kính xây khu du lịch trái phép
Thời gian qua, dư luận tỉnh Lâm Đồng xôn xao vì công trình không phép ‘’Vườn thượng uyển bay’’ do chủ đất là bà Vũ Thị Ái xây dựng.
Vụ việc được Chính phủ chỉ đạo xử lý, yêu cầu chính quyền Lâm Đồng phải rút kinh nghiệm xử lý sai phạm trên đất nông – lâm nghiệp.
Tháng 4/2019, bà Ái nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 1,7ha đất nông nghiệp mặt tiền QL20 (đoạn qua đèo Mimosa). Sau đó, bà Ái xây dựng hàng loạt công trình chui để kinh doanh như: San ủi đất phân lô, nền; xây dựng các công trình kiên cố, tiểu cảnh, nhà bán hàng, văn phòng làm việc, phòng bán vé, kinh doanh giải khát; đặc biệt là 26 phòng, buồng lưu trú quy mô lớn.
Phát hiện sự việc trên, UBND phường 10 và UBND TP Đà Lạt đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tháo dỡ công trình. Đồng thời, UBND phường 10 cũng đã cắm biển để cảnh báo khu vực này được quy hoạch đất rừng phòng hộ.
Để tiếp tục kinh doanh, bà Ái “lách luật” bằng cách lập hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã (HTX) Du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng, rồi lập báo cáo đề xuất thực hiện dự án đầu tư điểm du lịch canh nông “Vườn thượng uyển bay”.
Dù vẫn chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, HTX Xuân Ái Hùng đã tự ý cho triển khai xây dựng hàng loạt hạng mục công trình không phép trên khu đất nông nghiệp. Diện tích xây dựng trái phép đã lên đến hơn 3.500m2, bao gồm nhiều hạng mục phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Từ sai phạm trên, UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định đình chỉ thi công, cấm bán vé để xử lý công trình vi phạm này. Đồng thời, có quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm.
Một dự án tương tự là “Làng biệt thự” xây dựng không phép trên đất rừng tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Theo đó, UBND huyện Đức Trọng đã lập đoàn cưỡng chế để tháo dỡ. Khu rừng bị lấn chiếm thuộc dự án của Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam.
Khoảnh rừng bị chiếm nằm giao giữa địa phận TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng, kề bên Khu du lịch thác Prenn danh tiếng và Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Hiện, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an địa phương tiến hành điều tra, hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm các vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng.
Tháo dỡ gấp 227ha nhà kính, nhà lưới
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc không xử lý nghiêm xây dựng nhà kính trái phép sẽ tạo mầm mống xây dựng khu du lịch trái phép núp bóng dự án nhà kính.
Cơ quan chức năng đã rà soát, kiểm tra, xác định có 227ha nhà kính, nhà lưới được xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp.
Trong tháng 8/2021, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 340 vụ vi phạm sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.
Riêng sai phạm xây dựng nhà kính trái phép, theo thống kê có 210,1ha nhà kính, 17,34ha nhà lưới của 649 hộ gia đình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Trong số này, nhiều nhất là TP Đà Lạt với hơn 184,8ha nhà kính, nhà lưới của 475 hộ đang sử dụng. Tiếp theo là huyện Lạc Dương với trên 21,4ha của 106 hộ; huyện Đơn Dương với trên 16,2ha của 44 hộ. Các huyện còn lại là Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng, mỗi huyện có từ 0,6 – 3,3ha.
Ngày 25/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp đúng quy định.
Những nhà lưới, nhà kính, công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp phải giải tỏa trước ngày 30/9. Các địa phương cũng chủ động xử lý nghiêm người đứng đầu và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu để xảy ra sai phạm.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng yêu cầu cơ quan chức năng sau khi tháo dỡ nhà lưới, nhà kính thì đưa toàn bộ diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp này vào trồng rừng hoặc trồng cây công-nông nghiệp, trồng hoa ngoài trời kết hợp trồng xen cây lâm nghiệp.