Bộ GTVT, mới đây đã có phần trả lời kiến nghị của cử tri Ninh Thuận liên quan đến đề xuất sớm khôi phục dự án đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.
Theo Bộ này, chủ trương xây dựng tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt: Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 đã định hướng đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.
Trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng), Bộ GTVT đã giao Công ty lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2022. Sau khi Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, đánh giá tổng thể hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai các bước tiếp theo để sớm nghiên cứu thực hiện dự án.
Đoạn đường sắt răng cưa độc đáo của tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt
Tuyến đường sắt nối Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Đà Lạt (Lâm Đồng) được người Pháp xây dựng từ năm 1908 và đến năm 1932 hoàn thành.
Tuyến có tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Trong đó có tổng cộng 16km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Đây là một trong 2 dự án đường sắt răng cưa trên thế giới (cái còn lại ở Thụy Sĩ).
Trong những năm chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn.
Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát – Đà Lạt dài khoảng 7 km khai thác tàu du lịch.
Mang nhiều ý nghĩa lịch sử và là một trong hai dự án đường sắt răng cưa hiếm hoi trên thế giới, dự án khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đạt Lạt đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Nhiều ý tưởng về dự án khôi phục lại tuyến đường sắt độc đáo này đã được nhiều đơn vị đề xuất. Trong đó, đáng chú ý nhất là đề nghị của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng. Đây cũng là doanh nghiệp được Bộ GTVT chấp thuận giao làm đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Theo đó đề xuất của Công ty Bạch Đằng, dự án khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 83,5 km. Các công trình thi công bao gồm 17 nhà ga và trạm khách, 64 cầu, 5 hầm chui và 16 km đường sắt răng cưa.
Dự kiến, chủ đầu tư sẽ thực hiện xong tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, chấp thuận chủ trương vào năm 2024; triển khai thi công, đưa vào vận hành, thương mại năm 2030.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỉ đồng được triển khai bằng phương thức đối tác công-tư (PPP).
Tuy nhiên, con số đầu tư dự án lên đến 27.000 tỉ đồng đã ngay lập tức gây nên những tranh luận trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, mức chi phí này quá lớn so với hiệu quả khai thác của dự án.
Thậm chí, một số quan điểm cho rằng, nên dành khoản đầu tư trên cho các dự án hạ tầng mang tính cấp bách và có hiệu quả khai thác hơn như các tuyến cao tốc, đặc biệt là ở những khu vực còn kém phát triển như vùng núi Tây Bắc hay Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thông tin từ website Công ty Cổ Phần Thương Mại – Dịch Vụ Khách Sạn Bạch Đằng, doanh nghiệp này được chuyển đổi từ Công ty TNHH Thương Mại – Dịch Vụ Khách Sạn Bạch Đằng theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0401300561, do Sở Kế hoạch – Đầu tư Thành phố Đà Nẵng cấp thay đổi lần 03 ngày 10/10/2012 với vốn điều lệ 248 tỉ đồng.
Công ty Bạch Đằng đang tập trung đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ khách sạn, căn hộ, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, nhà hàng và các dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Hiện nay, Công ty Bạch Đằng đang đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển Dự án Khu Phức hợp Khách sạn Bạch Đằng – Bạch Đằng Complex, tọa lạc tại vị trí 50 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.