Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Sau khi cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đang đối mặt với giá hàng hoá, giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt giá xăng dầu tăng cao do các hoạt động kinh tế toàn cầu đang khởi sắc mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch, cùng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng nhanh, nhưng sản lượng khai thác dầu không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung thắt chặt… Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Để hiểu rõ hơn về giá xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tục leo thang. Xin ông cho biết, những nhân tố nào khiến cho giá xăng dầu tăng cao như mức hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Mặc dù, giá dầu thô tăng tới 60% trong năm nay nhưng các nhà khai thác cũng sẽ không tăng sản lượng. Một nhân tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa Đông năm 2021 được dự báo là khắc nghiệt, lạnh sớm và lạnh sâu nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.
Cùng với đó, trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng ngày 21/10/2021 sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và dự trữ tại kho lưu trữ lớn nhất của quốc gia này chạm mức thấp nhất trong 3 năm.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,32% lên 83,67 USD/thùng vào sáng ngày 21 tháng 10 năm 2021. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 12/2021 ở mức 85,89 USD/thùng, tăng 3,5 USD/ thùng, tăng 0,42% so với mức giá tại thời điểm ngày 9/10/2021.
Phóng viên: Theo các tổ chức quốc tế nhận định, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Vậy, đâu là những nguyên nhân thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, số người trên thế giới được tiêm vacxin ngày càng nhiều, các nền kinh tế đang dần phục hồi, bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao lưu đi lại, giao thông vận tải, du lịch sẽ khởi sắc do sử dụng thẻ xanh COVID-19.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua và nhu cầu sẽ ngày một tăng, vượt so với sản lượng trong mùa đông năm nay. Việc thiếu đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu trong khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.
Vì vậy trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới có thể còn biến động, khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Các Tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào mùa hè năm 2022.
Phóng viên: Thưa ông, cùng với xu thế biến động giá xăng dầu thế giới, trong nước giá xăng dầu bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % – mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Cần các giải pháp bình ổn giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Huy Hùng – TTXVN
Phóng viên: Xin ông cho biết giá xăng dầu tăng tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Phóng viên: Đối với nền kinh tế Việt Nam xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược, ông có thể đề xuất một số giải pháp nhằm ứng phó với giá xăng dầu tăng cao để giảm thiểu tác động đến tăng trưởng và lạm phát năm 2021 và 2022?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư là nguyên nhân cơ bản làm cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt mức thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.
Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và dự báo thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng; trong nước sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, sức ép lạm phát cao.
Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát mục tiêu 4% theo quý và cả năm 2022 làm căn cứ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt, bên cạnh các yếu tố như: vốn đầu tư công, thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, yếu tố biến động giá xăng dầu cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát.
Đối với kinh tế Việt Nam, hiện nay, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai bộ cùng các doanh nghiệp nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của giá xăng dầu tăng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Với “tầm quan trọng” của xăng dầu đối với sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu của năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.