Thông thường, trong các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực sẽ có những quy định cụ thể. Bởi việc bảo mật này giúp cho bên thứ ba không tiếp cận được các thông tin cá nhân nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hoặc gây phương hại cho bên có thông tin cần bảo mật.
Một trong những thông tin được bảo mật đó chính là “thông tin tài khoản” của các cá nhân mở tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Theo quy định về “bảo mật thông tin” tại Điều 14 của Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017, các tổ chức tín dung phải đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng không được phép cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, giao dịch của khách hàng cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (công an, tòa án, cơ quan thuế) theo quy định của pháp luật hoặc được chấp thuận của khách hàng.
Việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế cũng đã từng có nhiều tranh cãi về pháp lý khi Nghị định 126/2020 ra đời nhằm hướng dẫn luật thuế.
Nhiều người lo ngại việc cung cấp thông tin định kỳ cho cơ quan thuế theo Nghị định 126, nếu không quản lý tốt hoặc bị lạm dụng sẽ không đảm bảo tính bảo mật cho chủ tài khoản. Thế nhưng, vì cái chung, Nghị định 126 vẫn được áp dụng.
Nói như vậy để thấy rằng việc bảo mật thông tin có liên quan đến tài khoản của khách hàng mở tại các tổ chức tín dụng là vô cùng quan trọng. Để làm tốt được việc bảo mật, các tổ chức tín dụng cũng đã đầu tư tiền của và thời gian để trang bị các công cụ bảo mật tốt nhất cho khách hàng thông qua nhiều lớp khác nhau. Đó không chỉ là luật mà là cả sự cố gắng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.
Như vậy, việc tự ý cung cấp thông tin khách hàng không thuộc các trường hợp được quy định nêu trên là hành vi vi phạm.
Với hành vi này, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 4 Điều 47 NĐ88/2019- xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng. Nếu tổ chức tín dụng vi phạm, thì mức phạt là gấp hai lần mức phạt nêu trên.
Luật sư Lê Trung Phát – Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, TP.HCM
Nếu xác định việc làm lộ thông tin khách hàng là do nhân viên gây ra, thì người nhân viên này sẽ bị xử phạt với mức phạt nêu trên. Đồng thời, người này có thể bị ngân hàng áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật lao động, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì có thể bị buộc thôi việc.
Đã đến lúc, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, ngoài nghĩa vụ bảo mật thuộc về các tổ chức tín dụng, nó còn là trách nhiệm của chính những chủ tài khoản.
Chúng ta cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, không dễ dàng cung cấp các thông tin có liên quan trong việc đăng ký tài khoản như: giấy tờ tùy thân, mã OTP (One Time Password – mật khẩu sử dụng một lần) cho các đối tượng lạ gọi đến mình, hoặc tùy tiện nhấn vào các đường dẫn mà những người lạ gửi đến.
Việc này sẽ tạo ra nguy cơ chúng ta bị đánh cắp các thông tin cá nhân để các đối tượng xấu chiếm đoạt tiền trong tài khoản của chúng ta. Khi thực hiện các giao dịch trên điện thoại hay máy tính, sau khi thực hiện xong các giao dịch, cần thoát khỏi tài khoản đăng nhập. Hoặc sau khi rút tiền xong, chúng ta không nên in sao kê hoặc ngay lập tức xé bỏ thông tin trong sao kê đã được in trong các cây ATM.
Chỉ khi nào cả hai cùng ý thức bảo vệ thông tin tài khoản thì lúc đó rủi ro mới được hạn chế ở mức thấp nhất.