Theo ông Nguyên, công trình xanh giúp hạn chế tối đa tác động xấu của môi trường xây dựng tới con người và môi trường bằng việc lựa chọn vị trí, diện tích sử dụng, vật liệu xây dựng, quá trình xây dựng.
Các công trình này có hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, vật liệu, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tận dụng và tiết kiệm nguồn năng lượng, tài nguyên như nước, gió đồng thời xử lý chất thải và tái tạo năng lượng.
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước, ông Nguyên cho rằng, công trình xanh tại Việt Nam cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo đó, cần xây dựng một chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của công trình xanh là một quá trình khép kín, giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt.
PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên.
Với trường học xanh, chúng ta xem xét, đánh giá chất lượng một trường học trên các khía cạnh: điều kiện vật chất của môi trường, cơ sở vật chất, các môn học, chương trình học và thói quen bên trong công trình.
“Quan tâm đến các vấn đề này sẽ giúp định hướng cho những người ở ngay trong môi trường đó có định nghĩa đúng về xanh. Từ đó ra ngoài đời mới có tư duy chuẩn xanh về môi trường”, ông Nguyên nhận định.
Theo ông, các chi phí tăng thêm như thiết kế và phân tích chuyên sâu, chi phí tư vấn xanh, thiết bị và vật liệu xanh, đánh giá và cấp chứng chỉ… là khá nhỏ, không như chúng ta tưởng tượng nếu áp dụng tiêu chuẩn xanh ngay từ đầu.
Trong khi lợi ích hữu hình của công trình xanh có thể thấy chính là tăng giá bán, bán nhanh hơn và dễ chuyển nhượng, giảm phí vận hành, tăng giá trị tài sản. Lợi ích vô hình của loại hình này là lợi thế người dẫn đầu, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công trình xanh còn có lợi ích lớn đi theo suốt vòng đời, bao gồm chi phí vận hành giảm, giá trị công trình tăng. Đây còn là cơ sở sáng tạo nên chiến dịch marketing bán hàng và xây dựng thương hiệu, đồng thời tạo môi trường sống tiện nghi và sức khỏe.
Theo giới chuyên gia, nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc xanh kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư cho một công trình xanh cao hơn công trình thông thường cùng loại bình quân khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%.
Nhưng chi phí vận hành, sử dụng công trình xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Theo đó, chỉ sau 4 – 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm được có thể bù đắp vốn đầu tư và tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.
Chưa có nhiều công trình xanh ở Việt Nam.
Ông Nguyên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có một số công trình đã được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh như: LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hiệp hội Công trình Xanh Singapore; LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam và hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới. Bốn hệ thống tiêu chí đánh giá trên được công nhận bởi Hội đồng Công trình Xanh thế giới.
Ngoài ra, còn một số bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh khác do các tổ chức địa phương phát triển như: Bộ Công trình Xanh (đánh giá thử nghiệm) của Hội Môi trường xây dựng, Bộ tiêu chí Đánh giá công trình xanh nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng của Viện Quy hoạch Kiến trúc Việt Nam (2009), Bộ tiêu chí Kiến trúc Xanh của Hội Kiến trúc sư.
Ông Nguyên cũng cho biết hiện nay có một số khó khăn trong việc thực hiện công trình xanh. Nhận thức về cộng đồng, đội ngũ chuyên gia chuyên môn như kiến trúc sư còn yếu, chưa đủ về chuyên môn sâu. Trong khi đó, số lượng dự án đang bùng nổ, các chủ đầu tư cũng quan tâm nhưng thường hướng tới lợi ích gần hơn, ngay lập tức, mà ít quan tâm tới lợi ích dài hạn.
Cuối cùng là đơn vị quản lý. Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích công trình xanh. Theo ông, để việc phát triển loại hình này trở thành phong trào cần các chính sách từ nhà quản lý.