CafeLand: Ông đánh giá thế nào về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đối với nguồn vốn FDI cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5-2019 của Tổng cục thống kê cho thấy, trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới, vượt các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Tôi nghĩ đây là tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay, cùng với làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, hướng tới các nước khác trong đó có Việt Nam. Đây là một hiện tượng hiện hữu.
Chúng ta đang nhìn thấy sự phân luồng trong đầu tư. Các nước có trình độ phát triển cao như Nhật, Mỹ ưa thích đầu tư dài hạn. Bởi vậy những nước này cân nhắc rất kỹ chuyện đổ vốn vào đâu.
Đối với họ, Việt Nam không phải là điểm đến số 1 mà là Thái Lan, Malaysia, Indonesia – những nơi đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt trong quá khứ cũng như lao động dồi dào và có lợi thế tiếng Anh. Việt Nam chỉ là một ứng cử viên mà thôi.
Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ vốn vào Việt Nam. Lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc thấy Việt Nam gần gũi với họ hơn về văn hóa, địa chính trị và địa lý.
Do đó chúng ta thấy tỷ trọng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt so với các nước truyền thống.
Tôi nghĩ đây là hiện tượng. Những doanh nghiệp khi quyết định đầu tư thì họ có tính toán riêng. Việt Nam không thể kiểm soát được những tính toán đó nhưng có thể tác động đến lựa chọn của họ, cũng như việc lựa chọn các nhà đầu tư chất lượng cao, có trình độ công nghệ và cam kết lâu dài như Nhật, Hàn Quốc; lựa chọn các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và trách nhiệm với môi trường.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành.
Muốn vậy, chúng ta phải tự hoàn thiện bản thân, thông qua hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật phải nghiêm khắc, minh bạch, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, người lao động… thì những nhà đầu tư sẽ tìm đến nhiều hơn.
Sự thịnh vượng của Đông Nam Á trong thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước chỉ đến sau xung đột thương mại Mỹ – Nhật. Cuộc xung đột thương mại đó khiến Nhật gần như lụi bại, đồng Yên tăng giá khiến doanh nghiệp sản xuất chạy sang vùng Đông Nam Á và tạo nên sự thịnh vượng của khu vực này.
Tôi dự báo thương chiến Mỹ – Trung hiện nay cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi e rằng Việt Nam sẽ không lạc quan lắm với làn sóng đầu tư.
Tôi có nói chuyện với cựu đại sứ Nhật Bản và ông ấy cho biết 2 vạn doanh nghiệp Nhật Bản đang loay hoay tìm hướng đi do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Họ có vào Việt Nam không? Chúng ta cứ quan sát sẽ thấy.
Vậy đối với thương mại, Việt Nam liệu có được hưởng lợi như nhiều dự báo đưa ra?
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều xáo trộn như hiện nay, Việt Nam sẽ hưởng lợi về đầu tư trung và dài hạn.Tuy nhiên, về thương mại, tác động của thương chiến Mỹ – Trung sẽ khiến thương mại của Việt Nam khó dự báo về hiệu quả.
Dưới tác động của thương chiến, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhanh, vì hàng hóa Trung Quốc bị chặn vào Mỹ. Hàng Việt Nam có lợi thế hơn, người Mỹ cũng sẽ chuyển sang lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn vì lợi thế giá.
Nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ giảm, vì chính quyền Trung Quốc sẽ thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa của họ.
Trung Quốc có thể ngăn chặn hàng nhập vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi thấy số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm mạnh, bắt đầu tư quý 3-2018 đến nay. Sự suy giảm này còn lớn hơn về quy mô, số lượng so với lượng tăng lên ở Mỹ. Cho nên, có lúc ta thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm tuyệt đối mặc dù xuất khẩu sang Mỹ của ta tăng.
Tuy nhiên, trong tương lai, nếu xuất khẩu sang Mỹ vượt xuất khẩu sang Trung Quốc thì ta lại có lợi thế. Cho nên thương mại của chúng ta đang có hiệu ứng pha trộn, chưa rõ ràng, không giống như đầu tư.
Theo ông, Việt Nam có lợi thế gì trong bối cảnh kinh tế số hiện nay?
Việt Nam có rất nhiều trở ngại trong giai đoạn chuyển đổi số, nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực thì vẫn có những điểm thuận lợi như tỷ lệ dân số trẻ, sự linh hoạt trong chuyển đổi, tiếp cận các xu hướng mới. Đặc biệt với sự phát triển gần đây của Việt Nam như khu vực tư nhân ngày càng mở rộng sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn.
Hiện nay chính sách liên quan đến thúc đẩy kinh tế tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số. Ở cấp độ kinh doanh và phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân là động lực cơ bản cho sự tăng trưởng.
Điều quan trọng nữa là bản thân kinh tế tư nhân cũng là nền tảng cho sự sáng tạo, mà sự sáng tạo này là điều kiện tiên quyết để chúng ta hội nhập trong xu hướng kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, những tiến triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, trong đó có sáng kiến phủ sóng wifi toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam.
Do đó, chúng ta không nên đứng ngoài cuộc chơi và lo sợ, thay vào đó cần tìm hiểu kỹ để bắt nhịp, lựa chọn cách thức tham gia xu hướng đó như thế nào để có lợi nhất, để biết nên đầu tư vào hệ thống hạ tầng nào trong tương lai…