Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm kiểm soát giao dịch minh bạch, tránh các hoạt động trốn thuế, chuyển giá trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về thuế.
Nhiều người cho rằng nghị định này đã “điểm trúng huyệt” các doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng kinh doanh nhưng lại báo lỗ triền miên. Song, khi áp dụng vào thực tiễn, nghị định này lại tạo ra những ảnh hưởng ngoài ý muốn lên khối doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ – con.
Bắn luôn cả quân mình
Bình luận về nghị định này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV, cho rằng mục tiêu của Nghị định 20 chưa trúng.
“Hiện nay có khoảng 20 doanh nghiệp niêm yết đã lên sàn chứng khoán bất động sản đều có vướng mắc. Chúng ta vẫn biết nghị định của Chính phủ thì phải thực hiện nhưng nếu muốn doanh nghiệp thực hiện thì phải có lộ trình và phải phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế”, ông Lực phát biểu.
Trong khi đó, câu chuyện phát hành văn bản luật cũng đang có vấn đề, tháng 2 ra nghị định, ngày 27/4 ban hành thông tư hướng dẫn, ngày 1/5 thực thi lại đúng kỳ nghỉ lễ. “Tôi cho rằng doanh nghiệp khó mà xoay xở kịp”, ông Lực nhận định.
TS. Cấn Văn Lực.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định khoản chi phí tài chính, tức là lãi vay ngân hàng nói rằng: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp”. Điều này ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn quy mô lớn.
“Nếu áp theo quy định này, mỗi năm các doanh nghiệp lớn phải nộp thêm hàng trăm tỉ đồng cho cơ quan thuế. Nộp đúng không sao nhưng theo quan điểm của tôi khoản này là không đúng”, ông Nam nhận định.
Ông Nam phân tích, hiện các tập đoàn lớn vay vốn để phân bổ cho các công ty con nhưng nếu theo quy định này thì doanh nghiệp lớn không được trừ thuế.
“Tổng cục thuế và Bộ Tài chính giải thích là để chống chuyển giá, nhưng quy định của chúng ta bắn luôn cả quân ta, toàn bắn trúng doanh nghiệp trong nước”, ông Nam nói.
Vị này cho biết thêm, mới đây, Tập đoàn điện lực đã phải nộp thêm 700 tỉ đồng theo quy định này. Điều này là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế TNDN.
Vì vậy, ông Nam đề nghị tạm dừng áp dụng khoản này, đồng thời có sửa đổi phù hợp. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo với các luật sư, luật gia và chuyên gia kinh tế để kiến nghị vấn đề này nhưng chưa được dừng, doanh nghiệp vẫn bị siết thu thuế”, ông Nam cho biết.
Sẽ báo cáo Chính phủ
Trước những ý kiến tranh cãi liên quan đến Nghị định 20, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), chia sẻ câu chuyện một doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Hà Nội nhưng phát triển bất động sản tại các địa phương khác.
Theo đó, ở một số địa phương khi Nhà nước có chính sách quy hoạch phát triển, giá bất động sản ở những nơi này sẽ tăng lên và các nhà đầu tư cũng có mong muốn đầu tư, gia tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể “chèo lái” lợi nhuận này.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, điều đó lại phát sinh nhiều vấn đề trong việc phân bổ số nộp ngân sách giữa các địa phương nên các địa phương đòi hỏi có nguồn thu chính đáng, tránh “nước chảy chỗ trũng”. Ngân sách là của hơn 90 triệu dân, không thể để doanh nghiệp “lái”.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Do đó, cùng với tạo điều kiện qua luật thu nhập thuế thì việc khuyến cáo, ngăn chặn và tránh chuyển giá, tránh thuế là điều cần thiết. Và Nghị định 20 ra đời để quản lý vấn đề này.
Ở góc độ khác, ông Phụng cho biết, hệ quả của chính sách trải thảm đầu tư những năm qua có quá nhiều ưu đãi thuế suất theo từng vùng miền. Chẳng hạn như miễn thuế bốn năm, giảm thuế 15 – 20%, các địa phương khác nhau ưu đãi thuế khác nhau, các nhà đầu tư có thể điều hành lợi nhuận qua các nguồn vốn vay ở từng địa phương. Ví dụ, Phú Quốc vẫn là huyện đảo nên ưu đãi thuế vẫn thấp. Do đó, Nghị định 20 đi vào giải quyết vấn đề này.
Với khoản 3 điều 8 Nghị định 20, chi phí lãi vay tính vào chi phí tính thuế không quá 20% lợi nhuận thực tế cộng với khấu hao. Do đó, quy định chỉ tiêu lợi nhuận lãi vay khi vay vốn là một trong những giải pháp công bằng để đảm bảo người vốn ít cũng như vốn nhiều có công bằng khi vào cùng thị trường, làm một dự án.
Một điều đáng chú ý là nghị định được áp dụng với cả FDI và trong nước, nhưng tiếng kêu thời gian qua chủ yếu đến từ doanh nghiệp trong nước, do đó ông Phụng bày tỏ ý kiến rằng phải xem xét lại nếu có vướng mắc.
“Tôi đồng tình với việc cần điều chỉnh lại thông tư nếu như doanh nghiệp phản ánh. Nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên không có chuyện văn bản trái luật. Chỉ có vấn đề là chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại”, ông Phụng phát biểu.
Ông Phụng cho biết trong hai tuần nữa, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo về Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 lên Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp cần khai bổ sung, khai điều chỉnh theo Nghị định 20 để tránh bị phạt sai phạm 20%, không có việc không thực hiện nghị định của Chính phủ.