Khi được hỏi về dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đưa ra nhận định trên tại buổi hội thảo “Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản 2019” do Chuyên trang Đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức ngày 11-12.
Phát biểu tại hội thảo, ông Thiên cho biết Năm 2017 – 2018 đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 2 năm tới. “Chưa đi hết năm 2018, nhưng chúng ta có thể dự báo tăng trưởng 7% là trong tầm tay của Chính phủ”, ông Thiên nhận định.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng khẳng định, dù Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng phải đạt được theo kế hoạch, nhưng không phải bằng mọi giá. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, không thể chỉnh sửa các số liệu thống kê, nắn dòng con số tăng trưởng theo mục tiêu.
Ông Thiên cho biết, trong đánh giá của Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ báo cáo sắp tới sẽ nhấn mạnh tới yếu ổn định kinh tế vĩ mô. Đây được coi là mục tiêu nền tảng để đạt yêu cầu tăng trưởng cao, là cơ sở hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển.
Với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là mức tối thiểu, còn sang năm 2019 con số tăng trưởng có thể đạt được 7% và sang năm nữa cũng gần 7%, ông Thiên dự báo.
Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chỉnh phú cũng đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng năm 2019-2020 là 6,7, 6,91 và 7,06%. Theo ông Thiên, điều sẽ tạo nên sự khác biệt của 2 năm tới là làm sao để CPTPP có hiệu quả và chi tiêu ngân sách hiệu quả, giảm chi thường xuyên.
Theo ông Thiên, nếu Chính phủ quyết liệt cải cách, năm 2019 rất có thể tăng trưởng GDP sẽ đạt mức kỷ lục tăng trưởng 7,06%.
Bất động sản đã “thoát” nguy cơ bong bóng
Nhận định về sự phát triển của thị trường bất động sản thời gian tới, ông Thiên nhắc lại quan điểm của ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF, nói trong thời gian gần đây rằng: Năm ngoái (năm 2017) còn lo ngại bong bóng bất động sản rất cao ở Việt Nam khi trên thị trường xuất hiện cả 3 dấu hiện của thời điểm bong bóng 2007-2008 là đầu tư nước ngoài vào nhiều, thị trường chứng khoán sôi động, bất động sản khởi sắc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, ông tin rằng Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát tốt biến số giúp thị trường bất động sản không bị rơi vào nguy cơ bong bóng. Đó là thu nhập dân cư tăng trưởng tốt, ổn định giúp thị trường bất động sản khởi sắc.
Nói thêm về sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Thiên cho biết, FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2018 tăng trưởng tốt. “Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài bỏ phiếu tích cực cho môi trường đầu tư Việt Nam, dù thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, ASEAN và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn. Cùng với đó, FDI đầu tư vào bất động sản cũng tăng lên trong thời gian qua”, ông Thiên nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, theo ông Thiên, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam vẫn còn yếu, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp, mối liên kết các doanh nghiệp trong nước với nhau.
“Việc dành quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI đang làm méo mó thị trường và ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp trong nước”, ông Thiên phát biểu, và cho rằng Việt Nam không thể kỳ vọng trong 20 năm nữa sẽ chói sáng, mà phải từng bước cải cách thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thay vì quá lệ thuộc vào FDI.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và cơ hội của Việt Nam
Nói về cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Thiên nhấn mạnh tới ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Theo đó, đây không chỉ là cuộc chiến về thương mại mà nó còn nhiều hơn thế, và Mỹ sẽ không dừng lại cho đến khi nào họ đạt được những điều ông Trump đã khẳng định.
“Việt Nam đang đứng giữa cuộc chiến này, giữa hai nước là hai đầu xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong ứng xử về tỉ giá, chính sách để không bị ảnh hưởng quá lớn cho xuất nhập khẩu”, ông Thiên nói.
Tuy nhiên, cùng với những khó khăn, trước mắt Việt Nam lại được đánh giá là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này, khi các đơn hàng đang tăng lên và nó tác động tích cực tới tăng trưởng trong năm tới.
“Các dòng vốn đang rời khỏi Trung Quốc mang tới cơ hội cho Việt Nam, cơ hội từ những dòng vốn nước ngoài rời khỏi Trung Quốc và dòng vốn từ chính các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Việt Nam. Về mặt vĩ mô, đây là cơ hội lớn để thay đổi cách thức phát triển của Việt Nam, thiết lập mối quan hệ sòng phẳng hơn với Trung Quốc, để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc”, ông Thiên nhận định.