Trong báo cáo cập nhật vĩ mô quý 2/2022 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 7,1% – 10,4% trong 6 tháng cuối năm 2022 và 6,8% – 8,5% trong cả năm 2022.

image 20220711100525 1

Ảnh minh hoạ.

Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong quý 2/2022, với GDP quý 2/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,4%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý 2/2022 tăng hơn 10,83% so với cùng kỳ năm ngoái (so với +12,37% quý 2/2021). Ngoài ra, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất Việt Nam cũng tiếp tục chỉ báo những dấu hiệu hồi phục trong 3 tháng liên tiếp của quý 2/2022 (tháng 4/2022 – 51,7; tháng 5/2022 – 54,7; tháng 6/2022 – 54,0).

Vốn FDI giải ngân cũng được ghi nhận ở mức cao trong quý 2/2022 (+9,7% so với +7,1% trong quý 2/2021) chủ yếu nhờ các biện pháp kiểm dịch và giãn cách xã hội được nới lỏng, và các hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục và tăng trưởng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2/2022 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm ngoái, hơi cao một chút do giá xăng dầu tăng cao trong kỳ, nhưng lạm phát trung bình 6 tháng năm 2022 vẫn thấp chỉ tăng khoảng 2,44% so với trung bình cùng kỳ và vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là 4% và vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo đánh giá của ACBS, một số rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng sắp tới của năm 2022, bao gồm:

(1) FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất. Theo Financial Times, một tạp chí tài chính, các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất nhanh nhất trong đợt thắt chặt chính sách tiền tệ quy mô nhất trong hơn hai thập kỷ, với tổng cộng hơn 60 lần tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương khác nhau trong ba tháng qua;

(2) chương trình thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening – QT) của FED

(3) căng thẳng địa chính trị kéo dài tại biên giới Nga-Ukraine làm giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt;

(4) trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược không-ca-COVID-19 với việc xet nghiệm hàng loạt và phong tỏa khi các trường hợp lây nhiễm tăng đột biến; và

(5) lạm phát gia tăng trên bình diện toàn cầu.

Tuy nhiên, mặc dù lo ngại những sự kiện đó có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tếViệt Nam trong những quý sắp tới của năm 2022, ACBS vẫn duy trì kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ dần phục hồi trong hai quý cuối năm 2022 với sự hỗ trợ:

(1) Tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trường, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu;

(2) Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược không-ca-COVID-19 của Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp; và

(3) Sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ sau khi được phép mở cửa lại các loại hình kinh doanh dịch vụ đến từ (1) cải thiện nhu cầu tiêu dùng nội địa sau khi dịch COVID19 kiểm soát, (2) mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế và và các hoạt động giao thông vận tải trở lại vận hành bình thường giúp thúc đẩy hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu từ khu vực FDI.

Ngoài ra, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 337 nghìn tỷ đồng (291 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tài khóa và 46 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tiền tệ), để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch COVID-19 sẽ được giải ngân bắt đầu từ quý 2/2022, cùng với hơn 382 nghìn tỷ đồng (trong tổng số 530 nghìn tỷ đồng) vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cần giải ngân từ đây tới cuối năm 2022 sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong ba quý cuối năm 2022.

Với tình hình kinh tế vĩ mô gần đây, ACBS đã nâng dự phóng tăng trưởng GDP với 2 kịch bản cho GDP trong quý 3/2022, quý 4/2022 và cả năm 2022.

Kịch bản tích cực, với giả thuyết tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và khu vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng trong quý 3 và quý 4 với sự hỗ trợ của các hoạt giao thông vận tải vận hành bình thường và hoạt động du lịch quốc tế bùng nổ; và giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong quý 3/2022, GDP của Việt Nam trong quý 3/2022 và quý 4/2022 sẽ tăng trưởng cao lần lượt là 14,7% so với cùng kỳ năm trước và 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, GDP dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2022 sẽ lần lượt đạt 10,4% và 8,5% (dự báo trước đó: +7,7% và +6,9% so với cùng kỳ năm trước).

Kịch bản thứ hai với giả thuyết kém lạc quan hơn, giả định tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục nhưng tăng trưởng chậm lại và khu vực dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng trong quý 3 và quý 4; đồng thời giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong quý 4/2022, GDP của Việt Nam trong quý 3/2022 và quý 4/2022 sẽ tăng trưởng cao lần lượt là 10,4% và 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, GDP dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2022 sẽ lần lượt đạt 7,1% và 6,8% (dự báo trước đó: +6,3% và +5,8% so với cùng kỳ năm trước).

Số liệu quý 3 theo cả hai kịch bản của ABCS dự kiến sẽ tăng đặc biệt mạnh so với cùng kỳ năm ngoái vì quý 3/2021 có mức tăng trưởng GDP âm -6,17% do ảnh hưởng nặng nề từ do nhiều tháng bị đình trệ kéo dài trên khắp Việt Nam dẫn đến kinh tế thu hẹp trước khi bắt đầu phục hồi vào quý 4 nhờ các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ và các doanh nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động bình thường.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *