Bất động sản Nhơn Trạch phập phồng
Chỉ cách TP.HCM một con sông, Nhơn Trạch từ lâu đã là một thị trường bất động sản giàu tiềm năng. Thậm chí, nếu cầu Cát Lái được xây dựng, từ Nhơn Trạch vào trung tâm TP.HCM còn gần hơn so với nhiều quận, huyện khác của thành phố.
Thế nhưng hơn 20 năm qua, cùng với sự lận đận của cây cầu Cát Lái, bất động sản Nhơn Trạch cũng trải qua nhiều chu kì sóng gió.
Từ năm 1996, Nhơn Trạch được phê duyệt lên thành phố mới. Theo quy hoạch lúc đó, dân số dự kiến năm 2005 của Nhơn Trạch là 100.000 người (diện tích 2.000 ha) và đến năm 2020 khoảng 500.000 người (khoảng 8.000 ha) với các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị…
Chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân đều kỳ vọng Nhơn Trạch sẽ có những chuyển biên tích cực nhanh chóng thành một đô thị sầm uất.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không xảy ra. Đến nay, Nhơn Trạch vẫn được nhắc đến như “thành phố ma” bởi sự thưa vắng người về ở cũng như tàn tích của hàng trăm dự án bất động sản dở dang suốt một thời sốt nóng bất thường.
Đô thị Nhơn Trạch phát triển chưa tương xứng có phần nguyên nhân từ việc cầu Cát Lái chậm trễ xây dựng
Cầu Cát Lái dù chưa được xây dựng, nhưng những thông tin về dự án này luôn gắn với “nhịp thở” của bất động sản Nhơn Trạch. Giá đất ở khu vực này vẫn thường xuyên “nhảy múa” mỗi khi có thông tin về cầu Cát Lái.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, trong thời gian qua giá đất tại nhiều khu vực đã tăng quá cao sau tác động bởi các dự án hạ tầng như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành và mới đây là đường Vành đai 3.
Do đó, những thông tin về dự án quan trọng như cầu Cát Lái cần hết sức thận trọng để tránh gây sốt đất ảo.
Theo ông Khương, trên đây chỉ là phương án đề xuất và nếu được chấp thuận cũng cần thời gian dài để xây dựng hoàn thành. Do đó, nếu đầu tư bất động sản cần có tầm nhìn dài hạn và lựa chọn đúng vị trí.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, để hình thành nên một khu đô thị, bên cạnh cơ sở hạ tầng giao thông cần xây dựng được hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế. Cụ thể, hạ tầng xã hội là trường học, chợ, bệnh viện, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí; còn hạ tầng kinh tế là nơi để giao dịch thông thương, kinh doanh mua bán…phải hội tụ được hai yếu tố này thì mới kéo người dân về sinh sống, làm ăn.