Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hết quý I/2018 tín dụng toàn hệ thống ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm trước. Đáng chú ý là tín dụng ngắn hạn trong cả quý giảm, còn tín dụng trung và dài hạn lại tăng. Cụ thể, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3%, còn tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6%.
Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn chiếm khoảng 53,2% tổng tín dụng là điều đáng mừng khi dòng vốn đi vào đầu tư và sản xuất. Tuy nhiên, sẽ là dấu hiệu đáng lo ngại nếu nguồn vốn này phục vụ cho vay cá nhân mua nhà, sửa nhà. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng – Tài Chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xoay quanh câu chuyện này.
PV: Những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã thực sự làm “nóng” thị trường tiêu dùng với sự tham gia và hiện diện khắp nơi của nhiều công ty tài chính. Có quan điểm cho rằng, với sự góp mặt của càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng thì người vay sẽ càng có lợi vì dịch vụ và chất lượng sẽ tốt hơn, chi phí cũng có cơ hội giảm bớt. Quan điểm của bà về câu chuyện này như thế nào?
TS. Đỗ Hoài Linh: Thị trường cho vay tiêu dùng trong vài năm trở lại đây cho thấy, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nhu cầu thì số lượng các doanh nghiệp cung cấp cũng có nhiều biến động, nhưng theo xu hướng hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động.
Nếu từ năm 2012 trở về trước, phần lớn các công ty tài chính trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò một đơn vị đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp mẹ (như thu xếp các khoản cho vay, quản lý nguồn tiền mặt và tình hình tiền mặt, quản lý đầu tư các khoản tiền chưa sử dụng đến cho các công ty con trong nội bộ), thì từ năm 2016 đến nay, nhiều ngân hàng trong nước và chủ sở hữu nước ngoài thông qua hoạt động mua lại, đã và đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính với mảng cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều công ty tài chính được coi là “gà đẻ trứng vàng”.
Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đạt 18% đạt hơn 1 triệu tỉ đồng trong năm 2017, trong đó cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang thực sự rất “nóng”.
Về khía cạnh cạnh tranh, theo tôi không chỉ với lĩnh vực vay tiêu dùng, mà với bất kỳ lĩnh vực nào trong nền kinh tế, khi thị trường có nhiều nhà cung cấp thì khách hàng hay người tiêu dùng sẽ càng có lợi vì các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh tổng thể từ giá cả, chất lượng sản phẩm, các dịch vụ đi kèm… để chiếm được thị phần.
Hiện tại, xu hướng cạnh tranh khá rõ giữa các công ty tài chính là giảm lãi suất cho vay cũng như đa dạng hoá các hình thức trả góp lãi suất 0% để thu hút khách hàng. Ví dụ như trong năm 2015, 60% khách hàng của Home Credit được vay mức lãi suất 0% và chỉ có 25% khách hàng vay với lãi suất 20 – 30%/năm.
Bên cạnh cạnh tranh về giá, các công ty tài chính còn đẩy mạnh triển khai cho vay dựa trên nền tảng thuật số, triển khai số hóa và tự động hóa quy trình phục vụ khách hàng. Những điều này sẽ giúp khách hàng nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận khoản vay với chi phí ngày một hợp lý hơn.
PV: Trên thực tế thời gian qua, có nhiều trường hợp vay tiêu dùng nhưng dòng tiền này lại chạy vào bất động sản và chứng khoán. Theo bà, liệu đây có đem tới rủi ro cho nền kinh tế nói chung?
TS. Đỗ Hoài Linh: Tổn thất năm 1997 tại Trung Quốc và Thái Lan bắt nguồn từ việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào bất động sản và chứng khoán không kiểm soát, dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng.
Tại Việt Nam, năm 2017, tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. Điều này cho thấy dòng vốn vay tiêu dùng đổ vào bất động sản là hiện hữu. Với mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao sẽ đẩy mức đầu cơ lên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; và khi vỡ thì bong bóng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tới tất cả các thành phần trong nền kinh tế.
Không những thế, hoạt động cho vay tiêu dùng chủ yếu thời gian qua xuất hiện hiện tượng biến tướng dưới hình thức cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, từ đó dòng vốn chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán. Do vậy, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng, nguy cơ tổn thất cho cả xã hội là rất cao.
PV: Vậy theo bà, cách quản lý thế nào để hạn chế rủi ro khi xảy ra bóng bóng bất động sản sẽ không ảnh hưởng đến các công ty tài chính, ngân hàng cho vay?
TS. Đỗ Hoài Linh: Lĩnh vực cho vay bất động sản chắc chắn vẫn nhận được nhiều quan tâm, bởi các tổ chức tín dụng rất ưa thích những khoản vay này vì có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất cao hơn các lĩnh vực khác. Do vậy, việc mượn danh cho vay tiêu dùng để cho vay bất động sản là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, trước hiện trạng của việc xếp các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng nhằm lách quy định hạn chế cho vay bất động sản, việc cần làm trước tiên là bóc tách cho vay mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng để cơ quan quản lý nhà nước lẫn nhà quản lý tổ chức tín dụng dễ nhận diện rủi ro hơn.
Bên cạnh đó, cơ quản lý nhà nước thường xuyên đôn đốc các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng tín dụng, các điều kiện vay vốn và công tác xét duyệt hồ sơ cần tuân thủ đúng quy trình. Không những thế, cần có những thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để các tổ chức tín dụng áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, từ đó có những bước giám sát dài hạn trong quản lý rủi ro của hoạt động tín dụng tiêu dùng.
PV: Theo bà, tín dụng tiêu dùng đang góp phần giảm tệ nạn tín dụng đen như thế nào trong bối cảnh hiện nay người dân có xu hướng vay mua nhà, mua xe, ngày càng nhiều?
TS. Đỗ Hoài Linh: Như tôi đã đề cập ở trên, nhu cầu tài chính của con người không chỉ dừng ở xu hướng vay mua nhà, mua xe mà nó có trong tất cả các giai đoạn sống với các sản phẩm đa dạng từ mua sắm tài sản, nhà cửa cho đến chi phí cho giáo dục, y tế, du lịch… Khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân quen, vay mượn ngân hàng/công ty tài chính, người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính.
Nhận xét khách quan chúng ta thấy tín dụng đen vẫn khá nổi cộm, đặc biệt thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn, nơi mà sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu. Một khi còn tâm lý e ngại của người dân tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức, thì tín dụng đen thông qua hụi họ, tiệm cầm đồ vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu.
Do đó, để tín dụng tiêu dùng của các kênh chính thức như ngân hàng/công ty tài chính thực sự đẩy lùi được tệ nạn tín dụng đen thì rất cần những giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn dài hạn từ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ với sự tham gia của Nhà nước, ngân hàng và người dân.