Hà Nội đang chủ trương quy hoạch khu hành chính tập trung để chuyển toàn bộ các sở, ngành về làm việc.
TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị (PTĐT) Hà Nội
Tất cả quỹ đất sau di dời sở, ngành được Hà Nội sắp xếp lại, bán đấu giá công khai. Xung quanh vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị (PTĐT) Hà Nội cho rằng, cần chủ động công khai giao đề bài cho các lô đất cũ trước khi đấu giá, tránh hiện tượng DN lợi dụng giá trị đất “vàng” để xây cao ốc.
Ông nhận định như thế nào về chủ trương di dời các bộ, sở, ngành trong nội đô Hà Nội ra khu liên cơ?
– Với lịch sử phát triển của Hà Nội, việc điều chỉnh chức năng trong nội đô là tất yếu. Từ quy hoạch năm 1992, 1998 và gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011 đều đề cập vấn đề này. Đáng chú ý, Luật Thủ đô cũng chỉ rõ phải di dời một số bộ, ngành, cơ sở công nghiệp ô nhiễm, cơ sở giáo dục, y tế ra khu vực trung tâm. Tuy nhiên, thực tiễn các bộ, ngành dù đã và đang chuẩn bị di dời vẫn chưa chuyển đổi chức năng nơi làm việc cũ.
Riêng việc di dời các sở, ngành thuộc Hà Nội (Sở Tài chính, QH-KT, KH&ĐT, TN&MT, KH&CN, Xây dựng, GTVT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội…) cũng được quan tâm nhiều năm nay.
Từ năm 2000, đã đặt vấn đề xây dựng khu hành chính tập trung cho một số sở, ngành ở khu vực Nhà máy rượu Hà Nội và Công ty Điện lực (ở Bờ Hồ hiện nay). Song song, xây dựng trụ sở một số bộ, ngành ở trục đường Tây Hồ Tây nhưng chưa thực hiện được. Đây là vấn đề rất quan trọng cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ.
Những quan ngại về các lô đất “vàng” cũ bị biến tướng đang là một thực tế. Hướng giải quyết ra sao, thưa ông?
– Hiện tại, cơ chế phục vụ di dời với phạm vi bộ, ngành thuộc T.Ư vẫn còn một số tồn tại. Trong khi đó, việc quản lý xây dựng trụ sở của các sở, ngành lại thuộc thẩm quyền của Hà Nội. Vì vậy, giải pháp khả thi nhất khi di dời cần tổ chức đấu giá các lô đất cũ. Tuy nhiên, việc đấu giá không chỉ nâng giá trị của đất, mà phải gắn với chức năng sử dụng theo quy hoạch.
Tránh hiện tượng các DN bất động sản lợi dụng giá trị đất “vàng” để xây dựng công trình cao ốc, phá vỡ diện mạo và chức năng đô thị. Nói một cách đơn giản, Hà Nội phải chủ động công khai giao đề bài cho các lô đất cũ trước khi đấu giá.
Thực tế, việc di dời các sở, ngành thuộc Hà Nội đã có chuyển động. Cụ thể, Sở KH&ĐT di dời từ Văn phòng Ủy ban ra khu vực Cát Linh, hay Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội từ Vân Hồ ra B6 Nam Trung Yên… Vấn đề quan trọng hiện tại là cần công bố phương án kiến trúc cụ thể để các sở, ngành thống nhất di chuyển, bàn giao lại trụ sở cũ, đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô cho cả nước.
Theo ông, cần rút ra những bài học gì để việc di dời sở, ngành được hiện thực hóa?
– Việc tập trung di dời các sở, ngành vào địa điểm nhất định đã có bài học kinh nghiệm từ nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, nhiều địa bàn chưa xác định đặc thù của từng sở, ngành nên khi tập trung về một khu vực đã phát sinh ra những vấn đề không hợp lý khác. Cụ thể như ùn tắc giao thông, chưa khai thác hiệu quả các khu phụ trợ công ích nói chung.
Vì vậy, nên tổ chức không gian kiến trúc của khu trụ sở tập trung đáp ứng yêu cầu cơ cấu tổ chức hiện tại nhưng phù hợp với định hướng lâu dài khi sắp xếp lại cơ cấu. Đặc biệt, phải chuẩn bị được bộ phận quản lý chung khối các sở, ngành này. Có vậy mới giảm được những phí tổn không cần thiết. Đây là vấn đề đã được Quốc hội đặt ra.
Bên cạnh đó, cần lưu ý bố trí các công trình công cộng. Cụ thể: Công trình thương mại, công trình văn hóa – xã hội và nhà ở cho cán bộ viên chức. Có như vậy mới phần nào giải quyết được những khó khăn về giao thông, ô nhiễm môi trường, mật độ dân số trong nội đô lịch sử.