“Việc đánh thuế đối với chủ sở hữu bất động sản bỏ hoang sẽ hạn chế hoạt động đầu cơ, thổi giá cũng như lãng phí tài nguyên xã hội”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Do đó, đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang được cho là phương án giải quyết một phần tình trạng này. CafeLand đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh xoay quanh câu chuyện này.
CafeLand: Thành phố Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đó, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Ông đánh giá sao về đề xuất này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhà đất bỏ hoang, không sử dụng rõ ràng gây lãng phí rất lớn cho xã hội cũng như gây khó dễ cho các nhà đầu tư.
Cho nên việc đánh thuế đối với chủ sở hữu bất động sản bỏ hoang, không sử dụng là điều cần phải nghiên cứu, xem xét để có mức thuế buộc chủ sở hữu phải đưa đất, dự án vào sử dụng, tránh hoạt động đầu cơ, thổi giá cũng như lãng phí tài nguyên xã hội.
Đương nhiên mức thuế này cũng phải xem xét sao cho phù hợp, ví dụ như có thể đánh ngang với mức thuế cho thuê nhà ở khu vực đó.
Bên cạnh đó, cũng cần phải cân nhắc, xem xét đối với trường hợp người mua nhà có nhu cầu sử dụng, cho thuê, đầu tư sinh lời nhưng phải bỏ không do kết nối hạ tầng tại khu vực dự án chưa tốt, hệ thống điện – đường – trường – trạm, chợ, nước sạch… chưa đảm bảo.
Thực tế này xảy ra khá nhiều tại một số khu đô thị xa trung tâm, nhà giá rẻ, thậm chí nước dùng cũng là nước giếng khoan, đường xá cầu cống không có. Với điều kiện như vậy tất nhiên người mua nhà cũng không thể ở được.
Về cơ bản tôi đồng tình với đề xuất này!
Trước đó, vào năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã từng đề xuất với Bộ Tài chính thực hiện đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu nhà bỏ hoang. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ thu thuế luỹ tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Thế nhưng hiện nay mới chỉ có quy định đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụnh mức thuế suất 0,15% mà chưa có quy định nào đối với nhà biệt thự bỏ hoang. Theo ông vấn đề này vướng ở đâu?
Đó là chúng ta vẫn chưa thực sự nhìn thấy sự lãng phí của các biệt thự cũng như chung cư bỏ hoang. Điều này không chỉ tác động đến cảnh quan môi trường đô thị mà còn tác động đến cả yếu tố tâm lý và lãng phí một nguồn vốn trong xã hội không được đưa vào sử dụng.
Tất nhiên đó là nguồn vốn của cá nhân nào đó nhưng xét về mặt xã hội nó là nguồn vốn của xã hội nhưng không được sử dụng hiệu quả. Như vậy rõ ràng là gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, của đất nước nói chung.
Chính vì chưa nhận thấy sự lãng phí đó nên chúng ta chưa đưa ra những biện pháp để xử lý quyết liệt những biệt thự bỏ hoang.
Việc đánh thuế buộc chủ sở hữu phải tìm cách đưa bất động sản vào sử dụng, trả lại mỹ quan cho đô thị và đem lại hiệu quả cho nguồn lực xã hội.
Nhiều dự án bỏ không gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Có nhiều lý do dẫn đến việc dự án bị bỏ không, bị treo nhiều năm do thiếu vốn, chủ đầu tư năng lực kém, vướng giải phóng mặt bằng… Theo ông, ngoài việc đánh thuế đối với chủ sở hữu nhà đất bỏ hoang, có giải pháp nào để giải quyết hoặc hạn chế việc doanh nghiệp bỏ không dự án không?
Đây lại là một câu chuyện khác!
Liên quan đến các nhà đầu tư trẻ thì cần đòi hỏi các biện pháp như giải phóng mặt bằng, hay các thủ tục hành chính. Việc này cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước.
Nếu để chủ đầu tư phải thực hiện hết các khâu của một dự án là điều rất là khó khăn. Ngay cả giải phóng mặt bằng, nếu địa phương không hỗ trợ, doanh nghiệp cũng rất khó để thực hiện.
Do đó, rất cần các biện pháp phối hợp của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
Về phía chủ đầu tư, nếu nhận dự án mà không thực hiện do năng lực tài chính yếu kém hoặc do dàn trải, nhận quá nhiều dự án dẫn đến thiếu vốn thì rõ ràng phải xem xét.
Nếu như trong một khoảng thời gian nhất định, chủ đầu tư không thực hiện thì cần thiết phải thu hồi, hoặc giao cho một nhà đầu tư khác có năng lực, hoặc có một kế hoạch biện pháp khác để dự án được hoàn thành đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong trường hợp này, cơ quan quản lý phải phải đốc thúc các chủ đầu tư, kiểm tra giám sát nghiêm quá trình thực hiện dự án từ đó có phương án xử lý kịp thời.
Các địa phương cũng cần có sự cân nhắc để tránh tình trạng giao đất, dự án ồ ạt cho một doanh nghiệp. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực của chủ đầu tư cũng phải được thực hiện nghiêm túc, công khai.
Không phủ nhận có trường hợp doanh nghiệp được giao dự án nhờ những mối quan hệ, sân sau… để rồi sau này khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính lại tìm cách gia hạn tiến độ.
Do vậy, cần phải quán triệt trong khoảng thời gian nhất định, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án sẽ bị thu hồi.