Bất động sản công nghiệp được xem là phân khúc có hoạt động tích cực nhất trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nhưng trên thực tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong phân khúc này cũng sụt giảm đáng kể.
Số đông ảm đạm
Đúng như nhiều dự báo, tác động của dịch bệnh đến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bất động sản nói riêng sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong quý 2/2020. Nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp trên sàn chứng khoán lần lượt báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc trong quý 2 vừa qua cho thấy doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 172 tỉ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất của Kinh Bắc kể từ quý 3/2017 và cũng đánh dấu mức giảm doanh thu quý thứ 5 liên tiếp của công ty này.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, Kinh Bắc đạt chỉ đạt 727 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 54% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 55,5 tỉ đồng, giảm 86% so cùng kỳ năm 2019.
Bức tranh tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA). Trong sáu tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của ITA giảm hơn 30% so với cùng kỳ, đạt 256 tỉ đồng.
Các mảng kinh doanh của ITA như doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, doanh thu cho thuê hoạt động nhà xưởng kho bãi và đất, doanh thu bán đất nền và nhà ở… đều có sự sụt giảm so với cùng kỳ.
“Ông lớn” ở mảng bất động sản khu công nghiệp là Becamex IDC cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 38,5% trong quý 2
Một “ông lớn” ở mảng bất động sản khu công nghiệp là Becamex IDC cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.254 tỉ đồng, giảm 38,5%, lợi nhuận đạt 248 tỉ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ. Lũy kế sáu tháng đầu năm 2020, Becamex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2,484 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lãi ròng giảm 55%, còn hơn 533 tỉ đồng.
Trong thông tin công bố mới đây, Becamex xác định kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2020 – 2021 đều giảm so với các năm trước do tác động của dịch bệnh, đồng thời dự báo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp.
Năm 2020, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu 6.016 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 931 tỉ đồng, giảm lần lượt 40% và 65% so với thực hiện năm trước.
Theo số liệu từ Fiin Pro, trong quý 2, tổng doanh thu của 22 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 10.283 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế cũng giảm 5% còn 1.552 tỉ đồng.
Những tín hiệu vui
Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, bức tranh lợi nhuận của các chủ khu công nghiệp vẫn có những điểm sáng. Một trong những điểm sáng phải kể đến là Tổng công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi).
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, Sonadezi ghi nhận lãi ròng 169 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước nhờ hiệu quả kinh doanh khu công nghiệp, nhà và hạ tầng tại đơn vị thành viên. Trong sáu tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 2.273 tỉ đồng và lãi ròng 287 tỉ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp khác là Đầu tư Sài Gòn VRG có lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng 153% cùng kỳ nhưng không đến từ cho thuê khu công nghiệp.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 371 tỉ đồng, chủ yếu đến từ việc tăng lãi tiền gửi và cho tay, hoàn nhập các khoản dự phòng phải thu khó đòi thu hồi công nợ.
Hầu hết các giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái
Theo công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle (JLL), đến cuối tháng 6, đại dịch vẫn diễn ra trong khu vực và toàn cầu, các giao dịch thành công ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp được ghi nhận khá khiêm tốn trong quý 2.
Các giao dịch chủ yếu là từ các nhà đầu tư trong nước hoặc đã được thực hiện trước dịch. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng ở mức tương đối, khoảng 84 điểm phần trăm so với quý đầu năm 2020.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp của Savills Việt Nam, cho biết hầu hết các giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái. Trong khi đó, nhiều hợp đồng thuê được thực hiện bởi các công ty đã có mặt tại Việt Nam và đang tìm cách mở rộng sản xuất.
“Các chính sách hạn chế đi lại giữa các nước đã ảnh hưởng đến nhu cầu gia nhập thị trường, làm hoãn lại các đợt khảo sát mặt bằng của các nhà đầu tư quốc tế lớn, khiến số lượng hợp đồng thuê được ký kết với các nhà phát triển trong nước giảm mạnh”, ông Campbell nhận định.
Mặc dù đánh giá ngành công nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nhưng đại diện Savills Việt Nam vẫn cho rằng không gì có thể đảm bảo cho sự thuận lợi của năm tới. Nhiều chủ thuê đang chuẩn bị nguồn lực để nắm bắt và đáp ứng những cơ hội sắp tới ngay khi các rào cản được dỡ bỏ.