Doanh nghiệp không mặn mà
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS- cho rằng, từ sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; đến này, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 ngân hàng thương mại) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư và người mua không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác đến từ quy định hiện hành. Đến nay cũng chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nhân.
Nhiều khó khăn triển khai nhà ở thu nhập thấp (Ảnh minh hoạ:) |
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Shinec, kiến nghị cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về tín dụng, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư ở phân khúc này.
“Hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn”, đại diện Shinec cho hay.
Đáng lưu ý, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này, theo ông Điệp, khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư.
Ông Phạm Hồng Điệp góp ý, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở công nhân. Để xây dựng Luật Nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cần tích hợp giữa các Luật như: Xây dựng, Nhà ở, Đất đai, Luật Thuế và quy định, Nghị định về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch cần quy định rõ ràng và cơ chế thông thoáng về nội dung này.
Xuất phát từ thực tế, bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT CTCP thương mại Dạ Hợp, đề xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng KCN, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa,… của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân. Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân thông qua các ngân hàng thương mại, thay vì chỉ ngân hàng chính sách thực hiện nhiệm vụ này, thì việc sử dụng vốn sẽ hiệu quả hơn.