Một số doanh nghiệp cho rằng động thái thặt chặt thị trường trước những vấn đề tiêu cực đã làm liên luỵ đến những đơn vị làm ăn đàng hoàng.
Động thái thặt chặt thị trường trước những vấn đề tiêu cực đã làm liên luỵ đến những đơn vị làm ăn đàng hoàng. Ảnh minh hoạ
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin, cho biết thời gian vừa qua thị trường xảy ra rất nhiều vấn đề, mà trong đó nhiều nhà đầu tư chưa thu hồi được tài sản. Chính các vấn đề này dẫn đến động thái thắt chặt của cơ quan quản lý, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên lụy.
Thống kê cho thấy tháng 7-8 vừa qua, khối lượng phát hành chỉ 20-30 nghìn tỉ đồng. Đây là nút thắt rất lớn. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của chúng ta còn non trẻ, chưa thực sự phát triển. Có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây là một “bữa tiệc” để lợi dụng vốn nhà đầu tư”, ông Phục đánh giá.
Đối với doanh nghiệp phát hành, Chủ tịch AzFin kỳ vọng các cơ quan truyền thông cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu hơn, theo hướng doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính.
Để xử lý được vấn đề này, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả hơn, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn.
“Họ nên thành lập bộ phận quản trị tài chính, có nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản”, ông Phục nói.
Bên cạnh đó, vị này cho rằng doanh nghiệp cũng cần có bộ phận quan hệ nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cũng cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan khác như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo,…
Đối với nhà đầu tư, theo ông cần nhìn nhận trái phiếu cũng là một kênh đầu tư, hãy phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Đặng Đình Hiệp, nhà đầu tư đã gắn bó với thị trường chứng khoán trong hơn 20 năm, cho biết: “Một số nhà đầu tư là các hiệu trưởng trường mầm non, nhân viên công ty du lịch hỏi tôi có nên mua trái phiếu với lãi suất 12%. Tôi khuyến cáo đừng nghĩ về mức 12% mà hãy quan tâm doanh nghiệp đó tốt hay xấu”.
Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng thị trường vốn Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, hiện nay đã lớn nhất Đông Nam Á và sẽ phát triển lớn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào có sự phát triển nhanh như vậy cũng có những rủi ro về hệ thống.
Chúng ta có những khoản trái phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân và thật đáng tiếc khi có những nhà đầu tư mất tiền như vậy. Thực tế, có những trái phiếu không phải lúc nào cũng tốt, luôn có những rủi ro. Việt Nam có thị trường trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, cho biết trước mắt, ngoài việc hoàn thiện lại Nghị định 153 theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu thắt chặt quản lý của cơ quan Nhà nước cần hướng tới phục vụ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.
“Tôi thấy khi tư vấn một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, họ có nhiều cách lách khác nhau. Nội dung có quy định nhà đầu tư chứng khoán phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, số lượng lớn nhà đầu tư là cán bộ hưu trí, nhà kinh doanh nhỏ lẻ có tiền muốn tham gia thị trường vì lãi suất cao. Họ có nhiều cách để lách, có thể các công ty chứng khoán biến họ từ nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp với chi phí khoảng 4-6 triệu, hoặc có tổ chức nhận toàn bộ lượng phát hành, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để lách.
Văn bản quy phạm pháp luật cần lường trước làm sao điều chỉnh các các tổ chức phát hành, người tham gia, dù tương đối khó nhưng vẫn phải nghĩ cách làm”, ông Hà nói.
Cũng theo luật sư Hà, hiện nay dự thảo Nghị định 153 còn nhiều quy định thắt chặt hơn, đẩy những nhà phát hành tương đối khó khăn. Ví dụ không được huy động vốn phát hành trái phiếu đầu tư cổ phần. “Tôi nghĩ về thực tế như vậy không phù hợp với những quản trị công ty mẹ công ty con ở các tập đoàn”, ông Hà nói.
Vị luật sư này cho rằng, chúng ta phải điều chỉnh nếu trong trường hợp quyết định hành chính cơ quan nhà nước hủy phát hành trái phiếu thì xử lý như thế nào, trong trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan tư pháp điều tra. Cần bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Ngoài ra, cũng nên đặt vấn đề trong thời gian tới sau quá trình sửa đổi Nghị định 153 cần xây dựng luật riêng về phát hành trái phiếu hay không?