Đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng 13,68% so với cuối năm 2016. Mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) hiện nay đang phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và không quá cao để tạo ra áp lực lạm phát và rủi ro cho nền kinh tế.
TS. Nguyễn Quốc Hùng
Đó là nhận định của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN TS. Nguyễn Quốc Hùng khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết, TTTD từ đầu năm đến nay tác động thế nào đối với tăng trưởng GDP?
Từ đầu năm 2017 đến nay, tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 3,84% quý I/2017 xuống 3,1% quý II/2017 và xuống còn 2,52% quý III/2017. Hiệu quả của tín dụng vào GDP tăng lên là do tín dụng chuyển dịch vào các ngành tạo động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Đơn cử, tỷ trọng tín dụng ngành chế biến, chế tạo/tổng dư nợ nền kinh tế tăng từ 15,89% năm 2016 lên 17,42% năm 2017; ngành bán buôn, bán lẻ cũng xu hướng trên khi tỷ trọng tín dụng ngành này tăng từ 16,75% năm 2016 lên 17,3% năm nay, tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng tăng từ 19 lên 21%/tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong khi tín dụng cho các ngành có tính rủi ro cao hơn như kinh doanh bất động sản giảm từ 6,69% xuống còn 6,65%/tổng dư nợ; BOT, BT giao thông giảm từ 1,58% xuống còn 1,46%/tổng dư nợ.
Với mức tăng trưởng cao liệu tín dụng có ảnh hưởng đến lạm phát không, thưa ông?
Không thể phủ nhận việc tăng tín dụng sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong tương lai, nhưng mức độ tác động còn phụ thuộc vào liều lượng và các yếu tố khác. Khi điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, NHNN tính toán thận trọng điều này qua phân tích các yếu tố trong và ngoài nước, diễn biến cung – cầu tín dụng của nền kinh tế, dự báo các tác động có thể có của việc gia tăng tín dụng… theo đó NHNN có dự trù đưa ra các chính sách can thiệp.
Thực tế cho thấy, từ 7/7/2017, NHNN thực hiện các chính sách tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng GDP nhưng cho đến nay các chỉ số tiền tệ không có thay đổi đột biến. Tính đến 31/10/2017, M2 tăng 10,88% so với cuối năm 2016 trong khi cùng kỳ tăng 13,48%.
Tín dụng tăng 13,66%, mà cùng kỳ năm trước chỉ là 12,52%. Chỉ số CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2017 tăng 3,71% trong khi lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,44% cho thấy lạm phát đang diễn ra theo kịch bản và trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Chưa kể, lạm phát trong tương lai không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tiền tệ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại sinh khác như giá các mặt hàng cơ bản mà Việt Nam nhập khẩu nhiều như xăng, dầu, hóa chất… và cả sự thay đổi giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục…
Vì vậy, để kiểm soát lạm phát, việc bám sát các diễn biến giá cả các hàng hóa trong và ngoài nước, các yếu tố kinh tế vĩ mô để có chính sách điều chỉnh kịp thời đóng vai trò then chốt. Song song với đó, sự phối hợp nhịp nhàng với các bộ ngành liên quan trong công tác điều hành, cung cấp thông tin, phối hợp chính sách cũng có vai trò quan trọng.
Tín dụng của hệ thống NH tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ
Nhiều ý kiến lo ngại khi tín dụng có dư địa rộng rãi hơn, vốn NH sẽ lại chảy vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Chính phủ, NHNN luôn đặt mục tiêu TTTD để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không vì mục tiêu như vậy mà hệ thống NH đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá mà phải căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời yêu cầu các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BOT…
Như tôi nói ở trên, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,68%, tập trung chủ yếu vào các ngành là động lực của tăng trưởng kinh tế chiếm tỷ trọng trên 50% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế và lĩnh vực ưu tiền theo chủ trương của Chính phủ.
Trong đó tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 23% chiếm trên 17%/tổng dư nợ – cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng tăng hơn nhiều so với mức chung khi đạt 19%, chiếm tỷ trọng 21% cao hơn gần 2% so với cùng kỳ năm trước… Trong khi đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có mức tăng trưởng thấp, tỷ trọng nhỏ và trong tầm kiểm soát của NHNN.
Những tháng còn lại của năm, với các giải pháp điều hành đồng bộ, kiểm soát cơ cấu chặt chẽ, tín dụng của hệ thống NH tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời NHNN tiếp tục kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động kinh doanh của TCTD an toàn, hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã bị thiệt hại lớn vì thiên tai. Ngành NH có giải pháp gì để hỗ trợ người dân, DN khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh, thưa ông?
Có thể nói, ngay sau các trận bão lũ xảy ra, NHNN đã chủ động chỉ đạo các TCTD và Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Cụ thể, đối với các TCTD thực hiện xử lý đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, khoanh nợ tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Còn đối với trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gặp rủi ro thì khoản vay đó cũng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ. Nhưng trong trường hợp các đơn vị này vẫn khó khăn không phục hồi được thì có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xóa nợ.
Qua thống kê sơ bộ, số dư nợ vay vốn bị thiệt hại do bão số 2, mưa lũ tháng 8 và cơn bão số 10 năm nay là 1.002,75 tỷ đồng với số lượng khách hàng vay vốn bị thiệt hại là 23.722 khách hàng.
Các TCTD đang tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại của người dân do mưa lũ tháng 10 và cơn bão số 12 vừa qua để đề xuất các giải pháp đối với dư nợ bị thiệt hại nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ chế xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ như gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ…
Đặc biệt trong cơn bão số 12 vừa qua, NHNN thành lập đoàn công tác đi nắm bắt tình hình tại một số địa phương chịu thiệt hại nặng nề và trực tiếp chỉ đạo việc hỗ trợ tại các địa phương.