Khu dân cư Mả Lạng được bao bọc bởi các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh và Trần Đình Xu thuộc phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1).
Trong khi phía bên ngoài hoạt động nhộn nhịp, thì càng vào sâu trong khu dân cư chỉ là những con hẻm nhỏ hẹp, lối đi khoảng 1m đến 1,5m.
Vào năm 2000, UBND TP.HCM đã giao dự án giải tỏa khu dân cư Mả Lạng để xây dựng khu Trung tâm thương mại cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư ra thông báo cho từng hộ dân về kế hoạch đền bù, nhưng rồi không thực hiện.
7 năm sau, năm 2007, cư dân Mả Lạng được thông báo dự án chuyển cho nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Chủ đầu tư mới lại thông báo cho người dân về kế hoạch đền bù giải tỏa, nhưng rồi một lần nữa, mọi việc chìm vào quên lãng.
Một con hẻm chật hẹp trong khu Mả Lạng.
Sau gần 20 năm quy hoạch treo, đến tháng 8/2017, lãnh đạo UBND quận 1 đã có cuộc gặp trực tiếp với cư dân khu Mả Lạng, phân công các nhân viên chuyên trách đến từng nhà để đo đạc, kiểm kê, phục vụ công tác đền bù giải tỏa.
Mặc dù đã thực hiện xong bước đo đạc, kiểm kê nhưng từ cuối năm 2017 đến nay, người dân khu Mả Lạng vẫn chưa thấy thông báo thực hiện cho những bước tiếp theo. Họ luôn thấp thỏm vì lo sợ tiến độ lại bị ngưng trệ như tình trạng của những năm trước.
Bà Sáu Mỹ, người dân sống tại khu Mả Lạng chia sẻ: “Từ khi có thông tin khu dân cư này sẽ giải phóng mặt bằng, đã có khoảng 5 lần tôi nghe thông báo bắt đầu thực hiện đền bù giải tỏa.
Nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện. Vào cuối năm 2017, chính quyền có cho người đo đạc, thế rồi vẫn im lặng. Tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo cho chúng tôi biết về thời gian thực hiện, hoặc nếu dự án dừng lại cũng nên thông báo, để người dân yên tâm sinh sống”.
Căn nhà rộng hơn 1m của người dân trong khu Mả Lạng.
Ông Nguyễn Văn Khá cho biết: “Người dân trong khu này hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa lụp xụp chen chúc nhau. Nghe thông tin đền bù giải tỏa để thực hiện khu đô thị mới thì mọi người rất ủng hộ.
Chỉ lo mức đền bù có đủ để người dân tái định cư, hay lại lâm vào cảnh khó khăn vì giá đền bù chỉ đủ để thuê lại căn nhà chật hẹp ở đâu đó?”
Nhưng điều khiến người dân nơi đây bức xúc nhất chính là vì dự án treo này mà cuộc sống của họ có phần khốn khó hơn. Khi mà nhà cửa đều đã xuống cấp cũng không dám xây dựng, sửa chữa còn dự án thì tiếp tục “treo” không biết đến bao giờ.
“Mặc dù chúng tôi biết khu này nằm trong dự án quy hoạch, nhưng không biết khi nào thì sẽ giải tỏa. Lần nào ra thông báo xong cũng ngưng lại một thời gian.
Nhà tôi và nhà nhiều hộ ở đây bị hỏng mái lợp, cây gỗ bị mục nhưng không dám xây lại hay sửa chữa. Nếu vừa xây lại mà giải tỏa thì nhà mới xây sẽ bị đập bỏ, còn nếu cứ để như vậy thì mưa gió không an toàn”, bà Trần Thị Oanh cho biết.
Bà Sáu Mỹ chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ nếu cơ quan chức năng không vào cuộc nhanh chóng thì dự án này sẽ tiếp tục dừng lại. Ở đây, đất chật mà nhà nào cũng đông người thì chủ đầu tư không đủ kinh phí, còn nếu đền bù với mức giá thấp thì người dân sẽ không đồng ý”.
Dù đã cũ kĩ, mục nát nhưng bà Oanh vẫn không dám sửa chữa căn nhà vì không biết khi nào giải tỏa.
Trao đổi về dự án này, ông Lê Hồng Quang, chủ tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh cho biết, UBND phường kết hợp với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 đang thực hiện tiến độ của dự án theo từng bước cụ thể. Trong quá trình thực hiện, có ảnh hưởng đến tâm lý cũng như nhịp sống của người dân.
“Hiện UBND phường cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến các bước còn lại nhanh chóng cho người dân có cuộc sống ổn định. Chủ đầu tư cũng phải tính toán để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân trong vấn đề đền bù giải tỏa”, ông Quang nói.