Sơ đồ tuyến Vành đai 4 Thủ đô
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ 5 đoạn trên toàn tuyến thuộc địa phận thành phố (Quốc lộ 18 – cầu Hồng Hà; cầu Hồng Hà – Quốc lộ 32; Quốc lộ 32 – Quốc lộ 6; Quốc lộ 6 – Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1A – cầu Mễ Sở).
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo trong tháng 9/2022 phải hoàn thành các hạng mục:
Xây dựng, phê duyệt cơ chế chính sách liên quan đến công tác bồi thường và tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thi công xây dựng công trình.
Rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố làm cơ sở để UBND TP xem xét chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện
Phối hợp với các bộ liên quan và UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh báo cáo Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đến tháng tháng 10/2022 sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; trong tháng 11/2022 hoàn thành thỏa thuận phương án thiết kế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng đê điều, hành lang thoát lũ…
UBND các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín có nhiệm vụ phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đề xuất danh mục các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư.
Từ đó tiến tới báo cáo trình UBND TP xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; hoàn thành trong tháng 4/2023.
Về lựa chọn nhà thầu thi công, với Dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội tổ chức đấu thầu, lựa chọn và thương thảo, ký hợp đồng nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình hoàn thành trong tháng 8/2023, trong đó đối với gói thầu khởi công hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/6/2023.
Với Dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc) theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT hoàn thành các thủ tục để khởi công công trình trong tháng 6/2023.
Chủ tịch TP yêu cầu đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, tới tháng 6/2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Trong tháng 6/2023 phải hoàn thành các thủ tục khởi công công trình Dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3.
Chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, bảo đảm cơ bản hoàn thành Dự án trong tháng 12/2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.
Dự án Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long) qua địa phận: Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng
Dự án được chia thành ba nhóm với 7 dự án thành phần. Tổng diện tích đất chiếm dụng khi xây dựng dự án khoảng 1.341ha, trong đó thành phố Hà Nội 741ha, cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường.