Hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua TP Hà Nội.
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo mới về việc triển khai công tác lập chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, việc triển khai tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 18 (dài khoảng 11km); Đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 32 (dài khoảng 9,6km); Đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (dài khoảng 17,77km); Đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5km
Riêng đoạn từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở được chia làm 2 phân đoạn: Phân đoạn 1 (dài khoảng 15km) từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A; Phân đoạn 2 (dài khoảng 4,5km)từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở.
Về hướng tuyến, các đơn vị liên quan đã thống nhất để lựa chọn một trong 3 phương án nghiên cứu hướng tuyến phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, hướng tuyến bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tránh các tuyến điện cao thế, di tích chùa Xâm Động; khớp nối với hướng tuyến đường vành đai 4 thuộc địa giới hành chính tỉnh Hưng Yên đã được UBND tỉnh này phê duyệt cắm mốc và công bố công khai.
UBND Hà Nội giao Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường và Sở TNMT phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 15/8.
Tuyến đường vành đai 4 Hà Nội sẽ gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị. Mặt đường rộng từ 90 m đến 135 m. Chiều dài toàn tuyến là 112,8km; đi qua 16 quận, huyện, thị xã, thành phố gồm: Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Hà Nội), Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm, Khoái Châu (Hưng Yên); Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh). Đường vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống.
Chi phí dự kiến cho dự án là 65.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT. Thời gian xây dựng đường vành đai 4 sẽ bắt đầu từ năm 2022, hoàn thành trước 2025.