Chỉ trong một tuần, châu Âu nhận 2 tin xấu là Nga tiếp tục cắt giảm khí đốt và lạm phát lên cao nhất kể từ năm 1997.

Hôm 31/8, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tạm dừng đường ống Nord Stream 1 để bảo trì cho đến hết ngày 3/9. Nord Stream 1 là tuyến huyết mạch mang khí đốt của Nga tới châu Âu. Tuyến này đóng góp khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm ngoái. Nó cũng đưa khí đốt trực tiếp đến Đức – nền kinh tế lớn nhất khối.

Vài tháng gần đây, Gazprom liên tục giảm cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất, với các lý do kỹ thuật.

Nga cũng đã cắt nguồn cung cho một số quốc gia châu Âu “không thân thiện” và các công ty năng lượng từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Nạn nhân mới nhất là Engie của Pháp. Hôm 30/8, Gazprom thông báo sẽ tạm dừng giao khí đốt cho Engie từ 1/9, do chưa nhận được thanh toán đầy đủ từ công ty này. Phía Engie cho biết việc bị khóa van khí đốt là “do sự bất đồng giữa các bên về việc áp dụng hợp đồng”.

Hai động thái mới nhất này đã giáng thêm đòn vào kinh tế châu Âu. Kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, xuất khẩu năng lượng từ Nga sang EU giảm mạnh, khiến chi phí khí đốt và điện tăng cao. Việc này làm dấy lên lo ngại về khả năng châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông và giá khí đốt tăng cao.

“Cả khí đốt và niềm tin của châu Âu đang đối mặt với phép thử lớn khi tuyến Nord Stream 1 đóng cửa bảo trì trong 3 ngày. Lo ngại về nguy cơ nguồn cung tiếp tục bị cắt hoặc chấm dứt hoàn toàn có thể kéo dài đến hết tuần này”, nhóm chuyên gia của ngân hàng ING bình luận.

Mức giá chuẩn ở châu Âu tăng gần 6%, lên 284 euro (284 USD) mỗi MWh đầu phiên hôm qua, nhưng sau đó đã giảm nhẹ. Giá có thể tăng đột biến một lần nữa nếu Nord Stream 1 không hoạt động lại vào thứ bảy hoặc dòng chảy khí đốt nói chung tiếp tục giảm.

Giá cao đã làm giảm nhu cầu trong ngành công nghiệp. Ben McWilliams, Nhà phân tích tại Bruegel đánh giá châu Âu, đặc biệt là Đức, đã hy sinh đáng kể tiêu thụ khí đốt trong ngành công nghiệp vào tháng qua để đạt mục tiêu tích trữ khí đốt tham vọng cho mùa đông.

Nhập khẩu khí đốt đã tăng thông qua đường ống từ Na Uy và các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại rằng nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài Nga có thể không đủ đáp ứng nhu cầu của châu Âu vào cuối năm tới.

88888888888

Không chỉ bị cắt khí đốt, số liệu lạm phát của eurozone mới công bố hôm 31/8 càng phủ bóng lên nền kinh tế này. Theo đó, lạm phát tháng 8 đạt 9,1%, tăng từ mức 8,9% vào tháng 7. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi eurozone bắt đầu thống kê vào năm 1997. Giá năng lượng hiện là lực đẩy lớn nhất của lạm phát, khi đã tăng 38% trong một năm tính đến tháng trước.

Gây lo ngại hơn cả là lạm phát lõi – không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – cũng lên 4,3% trong tháng 8, từ mức 4% trong tháng 7. Điều đó cho thấy lạm phát cao có thể kéo dài ngay cả khi giá năng lượng và lương thực ổn định.

Các nhà phân tích cho rằng lạm phát của eurozone có thể sẽ lên 10% trong những tháng tới khi một số chính sách trợ cấp năng lượng và giao thông công cộng của chính phủ hết hiệu lực. Đặc biệt là ở Đức – nơi các công ty bắt đầu được chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng.

Châu Âu hiện đã có một số hướng giải quyết hai thách thức thiếu khí đốt và lạm phát, nhưng nhìn chung chưa có tín hiệu khả quan. Một số quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng vấn đề lạm phát hiện đáng lo hơn tăng trưởng. “Chúng ta không nên trì hoãn việc tăng lãi suất thêm nữa chỉ vì lo suy thoái”, Joachim Nagel – Chủ tịch ngân hàng Bundesbank (Đức) đánh giá.

Theo Ngân hàng ING, các nhà đầu tư đều dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 8/9. Việc này sẽ nâng tổng mức tăng lãi suất là 1,6 điểm phần trăm vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, chi phí đi vay tăng cao có thể sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái trong bối cảnh kinh tế khu vực đồng euro đang chậm lại do chi tiêu của các hộ gia đình giảm. Nguyên nhân là giá năng lượng cao hơn, còn mức tăng lương vẫn khiêm tốn.

Giá năng lượng cao được ví như một loại thuế đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp của châu Âu. Khu vực này nhập khẩu phần lớn năng lượng tiêu thụ.

Riêng với khí đốt, các quốc gia thành viên EU đã đạt mục tiêu lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức ít nhất 80% trước tháng 11. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này đã “chuẩn bị tốt hơn nhiều” để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm nay so với cách đây vài tháng.

“Chúng ta có thể đối phó khá tốt với các mối đe dọa từ Nga”, ông nói.

Tuy nhiên, lượng dự trữ dồi dào có thể vẫn không đủ để ngăn một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện, nếu Nga quyết định dừng hẳn nguồn cung khí đốt đến châu Âu.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cảnh báo “vài tháng tới sẽ rất quan trọng”. “Nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt trước khi châu Âu nâng mức dự trữ lên đến 90%, tình hình sẽ còn nghiêm trọng và thách thức hơn”, ông nói.

Tuần trước, Kenneth Wattret – Trưởng bộ phận kinh tế của S&P Global Market Intelligence, đánh giá triển vọng kinh tế châu Âu là “khá ảm đạm”. “Có vẻ khu vực đồng euro khó khó tránh một cuộc suy thoái. Câu hỏi chỉ là nó sẽ nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài trong bao lâu”, ông nói.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *