Bộ Công an mới đây vừa hoàn tất điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn, Công ty CP M&C và Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) gây thiệt hại hơn 960 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố Tạ Bá Long (nguyên chủ tịch GPBank), Phạm Quyết Thắng (nguyên tổng giám đốc GPBank), Đoàn Văn An (nguyên phó chủ tịch GPBank) cùng 7 người khác là cựu cán bộ GPBank về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Phùng Ngọc Khánh (nguyên phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Sài Gòn One, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP M&C); Nguyễn Trọng Hiếu (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn và Kim Văn Bộ (nguyên phó giám đốc) bị cáo buộc hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết luận điều tra, Công ty Sài Gòn One được thành lập để thực hiện dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM. Nhằm sử dụng các căn hộ tại dự án để huy động, vay vốn trái phép các tổ chức, cá nhân nên ông Phùng Ngọc Khánh đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm sàn căn hộ hình thành từ dự án và chuyển giao quyền chuyển nhượng, bán sản phẩm sàn căn hộ của Công ty Sài Gòn One cho Công ty M&C.
Dù không phải chủ sở hữu và chưa có quyền về tài sản trong việc bán các căn hộ song ông Khánh đã bắt tay với Nguyễn Trọng Hiếu, để ủy quyền cho một người khác ký, lập khống hồ sơ việc mua bán, thanh toán 6 căn hộ tòa nhà Sài Gòn One Tower để vay hơn 300 tỉ đồng của GPBank.
Ông Hiếu sau đó đã gặp ông Long và ông Thắng là lãnh đạo GPBank đề nghị cho Công ty M&C vay hơn 300 tỉ đồng và được đồng ý cho vay, kèm điều kiện phải chi 10% trên tổng số tiền được vay (ngoài tiền trả gốc, lãi) cho lãnh đạo GPBank.
Khi phát hiện dự án Sài Gòn One Tower đã thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng, không đủ điều kiện để tiếp tục vay nhưng bằng nhiều cách khác nhau ông Long và cấp dưới “phù phép” hồ sơ để cho nhóm ông Khánh, Hiếu vay 300 tỉ đồng. Đổi lại, lãnh đạo GPBand được bồi dưỡng 30 tỉ đồng là tiền 10% hoa hồng đã thoả thuận trước đó.
Theo kết luận điều tra, trong vụ án này tính đến ngày 25/8/2020, GPBank xác định số tiền thiệt hại là 961 tỉ đồng, trong đó số nợ gốc là 305 tỉ đồng, tiền lãi và lãi quá hạn là 656 tỉ đồng.
Bên cạnh GPBank, dự án Sài Gòn One Tower cũng khiến nguyên dàn lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á – ĐongABank đứng đầu là ông Trần Phương Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cùng nhiều cấp dưới cũng đã bị “sa lầy”.
Nằm trên khu đất “vàng”, ngay trục đường lớn Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận1), dự án Saigon One Tower vẫn đang là khối nhà dang dở, là nỗi khắc khoải của cả người dân lẫn chính quyền thành phố suốt nhiều năm qua.
Dự án này trước đây do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, là liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty cổ phần M&C, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.
Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.672m2, bao gồm một khối bệ làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng (diện tích 23.000 m2), một khối văn phòng cao 34 tầng (diện tích 49.000 m2) và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện ích khác.
Saigon One Tower được khởi công năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011. Với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ (238 triệu USD), sau khi hoàn thành Saigon One Tower sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM, xếp sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng. Thế nhưng khi công trình đã hoàn thiện khoảng 80% thì dự án bị ngưng thi công và nằm phơi sương nắng cho tới nay.
Năm 2018, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá dự án Sài Gòn One Tower với mức khởi điểm là 6.110 tỉ đồng. Sài Gòn One Tower cũng từng lọt vào danh sách 3 dự án làm xấu bộ mặt Sài Gòn theo ý kiến của một lãnh đạo của TP.HCM.