Theo ông Cung, sau hơn 35 năm Đổi mới kinh tế tư nhân Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp, không khí đổi mới rất mạnh mẽ, tràn ngập khắp nơi.
– Không thể không thừa nhận rằng, kinh tế tư nhân đã và đang có một vị thế mới, thưa ông?
Nếu xét theo thời gian, chúng ta có thể nhận thấy chủ trương, chính sách thay đổi nhiều, từ việc coi khối kinh tế tư nhân là bất hợp pháp, sang được thừa nhận, kinh doanh tồn tại hợp pháp vào năm 1990.
Sau đó, doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh những gì mà cơ quan nhà nước cho phép năm 1999. Và từ 2000, khối kinh tế tư nhân được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Từ không thừa nhận đến thừa nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, tiến tới là động lực quan trọng của nền kinh tế là những bước tiến dài nhưng theo tôi những điều này vẫn chưa đủ động lực để cho khu vực này bứt phá.
– Nhưng vị thế là “động lực quan trọng” đã giúp kinh tế tư nhân sau 35 năm Đổi mới khu vực kinh tế tư nhân trở nên ngày càng lớn mạnh hơn, thưa ông?
Các doanh nghiệp tư nhân cũng hào hứng, tham gia vào không khí này rất nhiệt tình. Không cuộc thảo luận nào về Luật Doanh nghiệp, về bãi bỏ giấy phép con thiếu tiếng nói của các doanh nghiệp tư nhân, các hiệp hội. Sự thành công trong thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 có công lớn từ sự hào hứng của người dân.
Doanh nghiệp thành lập mới trong Quý 1/2022 cao kỷ lục với gần 34.600 doanh nghiệp.
Nhìn lại, các doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bây giờ hầu hết khởi nghiệp từ Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp 1999. Điều này giúp cho sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có những thương hiệu bước chân ra thế giới, những tỷ phú xếp chung bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu. Nhưng bóng dáng thế hệ kế tiếp vẫn chưa rõ nét.
– Ông có thể lý giải nguyên nhân “bóng dáng thế hệ kế tiếp chưa rõ nét”?
Trên thực tế, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân vẫn cảm nhận chưa an toàn vì gặp rủi ro khá lớn về thể chế. Một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.
Do đó, doanh nghiệp tư nhân cho rằng đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó… dừng lại và không lớn tiếp.
– Phải chăng thể chế cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa để bắt kịp với xu thế phát triển? thưa ông?
Ở Việt Nam chưa thực sự có một môi trường thuận lợi để một start-up đi từ ý tưởng thành “kỳ lân”, để các doanh nghiệp nhỏ dần thành doanh nghiệp vừa, rồi doanh nghiệp lớn.
Cùng với đó tư duy xã hội và quản lý hay nghi ngại, làm sao có ít vốn mà làm được nhiều thế? Hay câu chuyện đấu giá đất thấp cũng nghi ngờ, thấy giá cao cũng nghi ngờ… Theo tôi, nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý chưa làm rõ nguyên tắc quản lý, chưa phân định rõ đâu là việc của thị trường, của doanh nghiệp, đâu là việc của cơ quan quản lý nhà nước, nên cứ thấy “khác khác” là sợ, không dám làm.
Đội ngũ start-up ở Việt Nam rất đông đảo, giàu ý tưởng, nhưng phần nhiều phải dịch chuyển sang Singapore, Mỹ… để phát triển.
Chúng ta cần thúc đẩy nền tảng công nghiệp. Ngôi nhà thông minh hay ô tô thông minh vẫn cần sản xuất, cần máy móc, con chip… Các doanh nghiệp tư nhân cũng nên được coi là lực lượng chủ lực, xung kích.
Viettel, VNPT đang cố gắng thay đổi, vươn lên, đi vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ…, có thể cùng với FPT, Vingroup… để đưa công nghệ ra thế giới, để cạnh tranh.
35 năm Đổi mới không hề ngắn, nền kinh tế Việt Nam cần những doanh nghiệp có thể cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường quốc tế.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kh&Đt:
Bản chất của kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân và sự phát triển của doanh nghiệp khu vực tư nhân. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đã đề ra quan điểm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Muốn đưa Việt Nam trở lại lộ trình phát triển tốc độ cao và hiện thực hóa những khát vọng tương lai phải gắn liền với việc thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái:
Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có rất nhiều sự linh hoạt hơn các doanh nghiệp nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực quốc gia. Trong bức tranh phát triển kinh tế nói chung, nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân được hậu thuẫn từ các nguồn lực của quốc gia, nhưng nguồn tài nguyên đó rồi cũng có thể cạn kiệt. Trong tương lai nếu Việt Nam không tìm ra được mô hình mới, công thức hay sự tiếp cận mới sẽ là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, trong bối cảnh cạnh tranh ở cấp độ cao và các kịch bản kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ.