Đó là thông tin được Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ với CafeLand trong cuộc trao đổi mới đây.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Việc Quốc hội lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt liệu có ảnh hưởng đến 3 khu vực được quy hoạch là Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong, thưa ông?
Việc này chắc chắn sẽ làm ngừng việc sốt giá, đầu tư lướt sóng để kiếm lời. Vì đây là những người không có định hướng đầu tư mà chỉ là tranh thủ thời gian thị trường đang nóng thì nhảy vào buôn đi bán lại. Việc này cũng giúp hạ cơn sốt đất ở Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong như đã thấy thời gian qua.
Còn về tương lai thì chắc chắn không có ảnh hưởng gì, bởi vì quy luật tất yếu sẽ dẫn đến các đặc khu kinh tế, không sớm thì muộn các đặc khu kinh tế phải hình thành. Dù hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến phản đối, nhưng tôi cho rằng chúng ta không có cách nào khác. Chúng ta phải chọn ra một số khu vực để thể nghiệm về thể chế và tạo ra phương thức tăng trưởng mới cũng như những định hướng mang tính tạo dựng tại các đặc khu.
Những định hướng cho các đặc khu theo tôi là rất đúng, và nó đi theo quy luật. Còn chúng ta không nên giữ khăng khăng ý kiến bảo vệ không phát triển thêm vì lo ngại phát triển thêm sẽ nguy hiểm. Cuộc đấu tranh hiện nay là cuộc đấu tranh kinh tế là trung tâm và Việt Nam phải phát triển, thậm chí phải phát triển nhanh và không nên có những tư duy giật lùi như hiện nay.
Theo ông, cái được lớn nhất mà chúng ta có khi phát triển các đặc khu là gì?
Như định hướng phát triển các đặc khu thì chúng ta sẽ tạo ra được những phương thức tăng trưởng mới, hay nói cách khác là những cực tăng trưởng mới, cái mà chúng ta đang rất cần hiện nay.
Chúng ta đang cần những địa điểm có thể thu hút đầu tư mạnh hơn, tạo ra sức vươn về kinh tế mạnh hơn, nhất là chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì phải có nơi đi đầu trong việc này. Đặc khu kinh tế chính là một trong những nơi đi đầu để tạo ra cực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, để cởi mở ra những thể chế mới, để tạo ra khả năng phát triển mạnh hơn thì việc thể nghiệm một thể chế phù hợp với nhu cầu phát triển mới là điều cần thiết. Có làm như vậy Việt Nam mới có thể phát triển mạnh được; còn nếu giữ khư khư không làm thì sẽ không bao giờ tạo ra được bất kỳ một sự đột phá nào cả.
Vấn đề được quan tâm nhất trong dự thảo Luật đặc khu là quy định thời hạn giao đất cho nhà đầu tư là 99 năm. Trong khi luật đất đai hiện hành và các luật có liên quan chỉ quy định thời hạn giao đất cho nhà đầu tư trong khu kinh tế tối đa 70 năm và ngoài khu kinh tế tối đa 50 năm. Xin hỏi quan điểm của ông như thế nào?
Chuyện bao nhiêu năm không phải là chuyện quan trọng, vì Nhà nước vẫn là người quản lý và nhà đầu tư chỉ là người sử dụng. Nhà đầu tư thực hiện tốt thì có thể khen thưởng, còn nếu thực hiện đầu tư không tốt thì Nhà nước có thể thu hồi lại đất và mời anh về nước.
Thời hạn cho thuê đất 99 năm ở các đặc khu lại là một hình thức hoàn toàn khác, chứ không phải giao vĩnh viễn nhượng tô, nhượng địa như Hong Kong, Ma Cao. Việc đầu tư là phải tuân theo pháp luật của nước chủ nhà chứ không tuân theo pháp luật của người đầu tư.
Bên cạnh đó, chúng ta là người quản lý, nhà đầu tư đến là người sử dụng, do đó ranh giới giữa người quản lý và người sử dụng là rất khác nhau. Theo tôi, 99 năm hay 200 cũng vậy, thời hạn sử dụng đất càng dài càng tốt vì có kéo dài thì chúng ta mới có được các nhà đầu tư lớn. Vốn lớn thì bao giờ cũng yêu cầu một vòng quay vốn rộng và dài. Nếu muốn có đầu tư lớn thì phải có thời hạn sử dụng đất dài hơn, nếu giới hạn thời gian thuê đất thì chỉ thu hút được những nhà đầu tư cỡ trung bình và cỡ nhỏ.
Nói như vậy không phải là phủ nhận rủi ro. Rủi ro có thể đến từ một số nơi quản lý yếu kém để nhà đầu tư lộng hành. Việc này chúng ta cần chỉnh đốn trong nội bộ. Yếu kém về chuyên môn thì đào tạo, còn yếu kém về đạo đức thì loại ra khỏi hàng ngũ cán bộ. Bằng cách đó chúng ta có thể loại trừ được những rủi ro này, chứ không phải vì rủi ro mà ta không dám làm.