Mới đây, tại Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 về “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, vấn đề xử lý nợ xấu là vấn đề chính được bàn tới.
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính – ngân hàng, đồng thời góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến quá trình xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo đó, về cơ bản đến nay hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện về xử lý nợ xấu. Đặc biệt, Công ty DATC và Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thời gian qua đã cùng nhau tạo thành công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ, góp phần tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành thị trường mua bán nợ có tổ chức ở Việt Nam.
DATC nhắm tới mua nợ và tái cấu trúc doanh nghiệp, còn VAMC xử lý nợ ở các TCTD. Theo đó, đến nay DATC đã xử lý hơn 90.000 tỉ đồng nợ xấu cho doanh nghiệp, hỗ trợ hơn 3.000 doanh nghiệp xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa, xử lý nợ để tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu cho 180 doanh nghiệp.
VAMC sau 5 năm hoạt động, đến nay đã mua hơn 26.000 khoản nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt với giá mua hơn 280.000 tỉ đồng của hơn 16.000 khách hàng từ 42 TCTD. Số nợ xấu được xử lý, thu hồi qua VAMC hơn 86.000 tỉ đồng.
Sàn mua bán nợ – còn nhiều nút thắt
Với con số kết quả nêu trên của DATC và VAMC, có thể thấy kết quả xử lý nợ xấu còn rất chậm. Đặc biệt vấn đề xử lý nợ xấu tại VAMC khi mua về tới 280.000 tỉ nhưng xử lý, thu hồi chưa được 1/3.
Phát biểu tại buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động xử lý nợ xấu và hợp tác phát triển thị trường mua bán nợ mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, mua bán nợ là một trong những biện pháp quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng. Sự phát triển của thị trường này giúp cho tình hình tài chính của các doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại lành mạnh, minh bạch hơn. “Trên thực tế, tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ xấu rất lớn bởi nguồn cung rất dồi dào”, ông Đông phát biểu.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý VAMC, ông Đông cho rằng hiện nay, các cơ chế chính sách cho thị trường mua bán nợ vẫn vừa thiếu, vừa yếu khiến cho thị trường này vận hành chưa được như mong muốn.
“Mặc dù Nghị quyết 42 ra đời tạo hành lang pháp lý mở cho thị trường mua bán nợ nhưng chưa có quy định cụ thể về hoạt động này. Chủ thể tham gia thị trường hiện nay còn hạn chế, chủ yếu là VAMC, DATC, AMC của các TCTD”, ông Đông nói.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tại Việt Nam, hầu hết các TCTD đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2020. Năm 2018 dự kiến xử lý được khoảng 20% đến 30% nợ xấu và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xử lý được nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đưa nợ xấu xuống dưới 3%. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt. Để xử lý nợ xấu ở Việt Nam, về lâu dài cần phải phát triển thị trường mua bán nợ.
Thực tế cho thấy, mua bán nợ xấu hiện nay còn nhiều bất cập, khi có những tài sản lớn lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng đem ra đấu giá tới 4, 5 lần vẫn “ế”. Hoặc còn tình trạng vướng mắc lớn ở luật pháp về chuyển nhượng tài sản, bất động sản khi ngân hàng bán tài sản đảm bảo nhưng lại không thể ra công chứng để chuyển nhượng tài sản đảm bảo đó cho bên mua.