Trong khi đó, Diễm, từ một người bị mất việc vì dịch bệnh, lại tận dụng được cơ hội bán hàng online để có một start-up nho nhỏ khá thành công với mức thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây. Không may mắn như Hải và Diễm, Quỳnh đang lâm vào cảnh nợ nần khi các nhà trẻ của mình vẫn chưa thể hoạt động trở lại.
Những nốt thăng trầm
Nhớ lại giai đoạn tháng 6 đến tháng 10 vừa qua, Hải vẫn còn bàng hoàng khi nhà máy sản xuất bao bì với hơn 100 công nhân của anh đã buộc phải đóng cửa vì không thể thực hiện 3 tại chỗ và khách cũng đã chủ động hủy đơn hàng khi không có nhu cầu.
“Chúng tôi buộc phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc, đóng cửa nhà máy. Tổng số vốn đầu tư vào nhà xưởng, cơ sở thiết bị hàng chục tỷ đồng bỏ không, trong khi tiền lãi ngân hàng phải trả hàng tỷ đồng mỗi tháng. Đặc biệt, tôi vô cùng hoang mang vì không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu”, Hải cho biết.
Có lẽ trường hợp của Hải cũng là trường hợp của rất nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn đỉnh cao của dịch bệnh Covid-19. Mọi hoạt động kinh tế ở thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM và một số tỉnh xung quanh gần như ngưng trệ khi phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Cụ thể, theo thống kê của cơ quan chức năng, TPHCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 1.500 nhà máy và 288.000 lao động. Khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có 720 doanh nghiệp với hơn 64.000 người lao động làm việc.
Trong khi đó, theo nhóm nghiên cứu của Đại học UEH, ước tính khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại TPHCM thiệt hại trực tiếp bằng tiền đối với nhóm người lao động (mất việc, giảm việc giảm lương) trong 6 tháng (từ tháng 5, tức thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát) là khoảng 174.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 15,4% GRDP của TPHCM.
Quan sát trên thực tế cho thấy giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt ở TPHCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng tác động lớn đến rất nhiều ngành nghề. Toàn bộ các cơ sở giáo dục tư nhân, nhà trẻ, nhà hàng ăn uống và trung tâm giải trí đã phải đóng cửa… Hàng triệu lao động đã mất việc làm và hàng trăm nghìn doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong lĩnh vực này đã ngừng hoạt động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt 4,78 triệu tỉ đồng, giảm tới 6,2% so với cùng kỳ. Số lượt vận chuyển khách trong nước cũng giảm tới 33%, vận chuyển hàng hóa giảm 8,7%, khách du lịch quốc tế giảm tới 95,9% so với cùng kỳ.
Chị Quỳnh là chủ một chuỗi 3 trường mầm non ở quận Gò Vấp với gần 400 học sinh. Trước đây khi chưa có đại dịch, doanh thu mỗi tháng 3 nhà trẻ của Quỳnh khoảng 1 tỉ đồng và lợi nhuận ròng từ trường mầm non này mang lại cho chị mỗi tháng cũng hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên, các trường mầm non của chị đã phải đóng cửa hoàn toàn từ tháng 5/2021 và đến nay vẫn chưa thể mở cửa trở lại.
Chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng cũng hơn 150 triệu, tiền hư hao thiết bị, bảo dưỡng và thuê bộ phận khác cũng hơn 100 triệu đồng/tháng. Đại dịch đã làm số lợi nhuận chị Quỳnh tích lũy được trong 2 năm hoạt động tan biến và gánh thêm các khoản nợ hơn 1 tỉ đồng do đầu tư ban đầu cơ sở vật chất. Giờ đây, tương lai mở cửa nhà trẻ phục hồi hoạt động vẫn mịt mù phía trước.
Những tình huống thực tế đó chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, và những số liệu thống kê đó là một minh chứng rõ ràng hơn về những nốt trầm của nền kinh tế năm 2021.
Tốc độ tăng/giảm GDP các quý năm 2021 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tuy vậy, nhìn ở một góc độ khác, chúng ta cũng thấy được rất nhiều nét tích cực của nền kinh tế. Việc buộc phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài do dịch bệnh là một điều khó trành khỏi. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã có một năm tồi tệ với biến chủng virus Delta có tốc độ lây lan rất nhanh.
Thực vậy, con số tích cực đầu tiên phải kết đến là Việt Nam đã có một năm bội thu ngoại thương. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng đến 26,5%. Cả khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên trong đó, khối doanh nghiệp FDI chính là động lực chính.
Đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Dù suốt hơn 4 tháng phải thực hiện giãn cách xã hội và nền kinh tế “chao đảo”, nhưng cả năm 2021 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn đầu tư thực hiện khu FDI, từ ngân sách đều giảm nhẹ, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo số vốn đầu tư nhanh chóng được phục hồi vào đầu năm 2022.
Trong nguy có cơ
Diễm là nhân viên cung ứng cho một chuỗi cửa hàng thực phẩm ở TPHCM. Rất không may chị bị nhiễm Covid-19 trong đợt đầu bùng nổ dịch bệnh. Rất may là chỉ sau một tuần điều trị ở nhà chị đã hết bệnh. Dù vậy, do công ty cũng đang gặp khó khăn nên Diễm không thể trở lại làm việc và không có thu nhập.
Trong cái khó ló cái khôn, Diễm rủ một số bạn của mình quyết định thử sức với kinh doanh online. Với kinh nghiệm làm công việc cung ứng hơn 3 năm và biết được các nguồn hàng, biết được cách tiếp cận người mua, Diễm đã nhanh chóng tạo được chuỗi cung ứng online.
“Đây là giai đoạn kinh doanh dễ dàng nhất. Người mua không quan tâm tới giá, không quá kén chọn”, diễm chia sẻ. Đúng là “thời thế tạo anh hùng” dù mới bắt đầu kinh doanh online, nhưng Diễm và nhóm bạn của mình vẫn đạt được doanh thu vài chục triệu đồng mỗi ngày nhờ bán các thực phẩm thiết yếu cho cư dân trong khu vực mình sinh sống.
Với số vốn, số lượng khách hàng và kinh nghiệm tạo được trong những tháng giãn cách, giờ đây Diễm cùng nhóm bạn của mình đã tạo được kênh kinh doanh khá vững chắc. Thu nhập từ việc kinh doanh online của Diễm và những người bạn của mình cao hơn rất nhiều so với công việc trước đây. Diễm là một trong rất nhiều người biến những khó khăn của đại dịch thành cơ hội và đang khá thành công trong công việc của mình.
Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho việc kinh doanh online phát triển mạnh. Nhiều startup đã tận dụng được rất tốt cơ hội này và thu được rất nhiều thành công. Thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp cũng phải thích ứng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ trực tiếp sang online.
Không chỉ việc bán hàng thực hiện trực tuyến, nhiều công ty đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện làm việc trực tuyến. Xu hướng làm việc từ xa từ bất kỳ đâu đang ngày càng nở rộ. Điều này hứa hẹn một sự biến động mạnh mẽ về công nghệ cũng như cách thức làm việc mới hiệu quả hơn.
Cũng chính trong dịch bệnh đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở Việt Nam. Vào tháng 6 năm 2020, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Như vậy, đại dịch đã thúc đẩy Chính phủ nhanh và quyết tâm hơn trong vấn đề chuyển đổi số từ phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn hỗ trợ doanh nghiệp.
Nói theo cách khác, nhờ đại dịch, Việt Nam có thể đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, việc chuyển đổi số sẽ tháo gỡ phần nào sự trì trệ yếu kém của cơ quan nhà nước. Mặt khác, nó cũng nâng cao được hiệu suất làm việc của các doanh nghiệp.
“Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Một cơ hội khác không thể không nhắc tới là trong cơn đại dịch toàn cầu, Việt Nam lại được biết đến như một quốc gia có rất nhiều tiềm năng sản xuất. Năm 2021, Việt Nam đã tận dụng rất tốt điều này để chiếm lĩnh nhiều thị trường. Năm 2021, tuy đại dịch bùng phát dữ dội ở nhiều tỉnh thành và rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, việc thu hút dòng vốn FDI cũng thu được kết quả hết sức khả quan. Điều này đặt tiền để cho những hiệu ứng tích cực khi mà nền kinh tế dần mở cửa trở lại.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, Việt Nam nhận được quan tâm của nhiều doanh nghiệp toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngày càng được cải thiện. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản… đã tận dụng ngay được các lợi thế của Hiệp định này.
Năm lấy cơ hội
Kinh tế đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp khó khăn, nhiều hộ kinh doanh khó khăn và nhiều người dân cũng gặp khó khăn. Nguy cơ lạm phát cũng cao khi giá cả nhiều mặt hàng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nợ xấu ngân hàng cũng là một trong các vấn đề sẽ làm cho hệ thống tài chính có nhiều rủi ro. Đó là những điều không thể phủ nhận và một mảng xám của nền kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới cũng có những màu tươi sáng và chắc chắn trong đó có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Theo Báo cáo Global Economic Prospects (Triển vọng kinh tế toàn cầu) hồi tháng 7 năm 2021, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng kinh tế giới năm 2020 đã chám đáy và phục hồi mạnh mẽ trong trong năm 2021, 2022. Thực tế, dù kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến chủng Delta nhưng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng rất khả quan. GDP các quốc gia phát triển đều đạt mức tăng trưởng 4-7%.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, rất nhiều tổ chức dự báo khá lạc quan. Mục tiêu tăng trưởng GDP được quốc hội đặt ra là khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như IMF, WB… đều dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt được mức 6,5-7,5%. Như vậy, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư đều đánh giá khá cao triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Về vấn đề lạm phát, nhiều quan điểm cho rằng lạm phát năm 2022 rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy năm 2021 vừa qua, dù giá cả rất nhiều mặt hàng tăng mạnh nhưng CPI năm 2021 vẫn ở mức khá thấp. Đối với giá hàng hóa thế giới năm 2022, trong báo cáo về Triển vọng thị trường hàng hóa vào tháng 11/2021, WB dự báo giá hàng hóa sẽ không tăng đáng kể trong năm 2022, thậm chí một số mặt hàng lương thực thực phẩm còn giảm. Điều này cho thấy áp lực lạm phát đối với toàn cầu năm 2022 không quá lớn.
Đối với hệ thống tài chính, theo thông tin từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2%, tăng vọt so với cuối năm 2020 là 5,08%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nếu tính một cách đầy đủ đang ở rất cao, vượt xa con số chính thức là chỉ có khoảng 2%. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác đại dịch đã làm cho nợ xấu ngân hàng tăng là điều không thể tránh khỏi. Tỷ lệ nợ xấu có thể giảm xuống khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại trong năm 2022.
Trong bối cảnh kinh tế đó, rõ ràng cơ hội mở ra đối với kinh tế Việt Nam rất lớn. Thực tế trong 2 năm đại dịch vừa qua, bên cạnh khó khăn chung, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đã nắm bắt được cơ hội để phát triển doanh nghiệp của mình và làm giàu nhanh chóng. Rất nhiều nhà đầu tư đã thành công trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản suốt 2 năm vừa qua.
Diễm là một trong những người đã tận dụng tốt “cơ hội” trong đại dịch. Hoạt động online trở thành thời thượng. Diễm đã có một sự khởi đầu thành công khi quyết định bán hàng online và có thu nhập vượt xa so với công việc đi làm công trước đây. Hải dù nhà máy phải đóng cửa nhưng các mảng kinh doanh khác của anh như bất động sản đã bù đắp phần nào thiệt hại đó.
Hiện nay, sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới là Omicron đang lan nhanh ra toàn cầu và đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia. Điều này có thể làm chậm lại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xu thế chung của sự phục hồi kinh tế khi vắc xin đã được phổ biến rộng rãi và thế giới đang dần thích ứng là điều chắc chắn.
Đối với Việt Nam cơ hội mở ra trước mắt vẫn rất lớn. Năm 2022, chắc chắn Chính phủ sẽ đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế có trị giá 800.000 tỉ đồng. Rất nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, đầu tư công sẽ được triển khai để phục hồi lại hoạt động kinh tế. Như vậy, đây cũng chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và kể cả các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản. Thành công sẽ đến đối với doanh nghiệp và cá nhân biết nắm lấy các cơ hội trong bối cảnh mới của nền kinh tế và xã hội.