Các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản (BĐS) du lịch đang là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào. Chỗ nào nhanh nhất cũng phải 10-20 năm mới thu hồi lại vốn nên lãi thu của du lịch đang rất thấp.
Sau 2020, thị trường BĐS du lịch “ảm đạm”. Số liệu của HH môi giới BĐS Việt Nam cho thấy cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng 120 sản phẩm. Trong năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch – nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài tác động của dịch bệnh còn có những vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến thị trường BĐS du lịch thiếu sức hút đầu tư.
Chia sẻ tại “Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch, cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch đang là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào. Chỗ nào nhanh nhất cũng phải 10 – 20 năm mới thu hồi lại vốn nên lãi thu của du lịch đang rất thấp.
BĐS du lịch đăng gặp nhiều khó khăn |
Theo bà Bình, cần có những chính sách giảm chi phí đầu vào, chính sách thuế… mới thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, cần xác định về quyền sở hữu của BĐS du lịch để có sự rõ ràng cho nhà đầu tư khi có quan tâm.
Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho hay, thống kê trên cơ sở các quy định hiện hành, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 luật, bộ luật, 52 nghị định, 42 thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn; tuỳ từng loại dự án mà phải thực hiện thủ tục gồm từ 30 đến 54 bước với 38 đến 159 con dấu; thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1 năm đến 1,5 năm.
Trên thực tế, thời gian thủ tục kéo dài từ 2 đến 5 năm hoặc lâu hơn. Việc vận hành dự án đòi hỏi chủ đầu tư có 3 giấy chứng nhận, 2 quyết định và 3 giấy phép. Trong 3 giấy phép thì có 2 giấy phép là Giấy phép kinh doanh thuốc lá, Giấy phép kinh doanh rượu.
“Quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp, qua nhiều bước khác nhau và tổng thời gian thường không xác định được rõ ràng. Quy trình vận hành dự án BĐS du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế cũng đòi hỏi khắt khe về chất lượng dịch vụ. Điều này yêu cầu đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, nguồn tài chính lớn”, ông Bình cho biết
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, chia sẻ: “Cách đây 2 năm, chúng tôi có tham gia vào việc góp ý sửa đổi chính sách đối với condotel. Tuy nhiên, Việt Nam không dùng từ tiếng Anh nên gọi nó là sản phẩm của dịch vụ lưu trú. Tháng 4/2019, chúng tôi có gửi văn bản lên Thủ tướng nhưng vấn đề về định danh cho sản phẩm này vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, cuộc sống vẫn diễn ra, hàng tỷ USD vẫn được đổ về thị trường condotel nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng”.
Liên quan tới vấn đề sổ đỏ, ông Nguyễn Mạnh Khởi Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho hay, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn nhưng đây vẫn chỉ là văn bản hành chính, chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng kết hợp chức năng lưu trú làm cơ sở, hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đối với các công trình này.
Sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội
Từ thực tế trên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, để thị trường BĐS du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, cần có pháp lý, tài chính vững mạnh để có thể phát triển ngành bền vững. “Hậu Covid-19, chúng ta có thể cải thiện các vấn đề pháp lý như về các luật chi phối thị trường BĐS du lịch, về chứng khoán, vốn,… để mọi thứ trôi chảy. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội để phát triển”, ông nói.
Kiến nghị chính sách phát triển BĐS du lịch (Ảnh: D.A) |
Ông Đoàn Văn Bình kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển BĐS du lịch, tập trung vào các ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, về tiền thuê đất, về thuế, ưu đãi về tín dụng, khuyến khích đầu tư những tổ hợp BĐS du lịch đa công năng quy mô lớn.
Về định hình khung pháp lý cho thị trường BĐS du lịch, đặc biệt là hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh BĐS, pháp luật về thủ tục đầu tư. Trong đó, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo thủ tục đầu tư.
Xây dựng và vận hành dự án BĐS du lịch đơn giản, rõ ràng, tránh chồng chéo, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Cải cách hành chính, tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật là yêu cầu sớm thực hiện.
Bổ sung các quy định về điều chỉnh quan hệ giữa khách hàng mua BĐS du lịch với chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS du lịch trong cam kết lợi nhuận khi thuê lại BĐS du lịch của người mua; quy định điều chỉnh hoạt động cho thuê sở hữu kỳ nghỉ giữa các chủ sở hữu BĐS du lịch ở trong và ngoài nước trên tinh thần tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên. Đối với giao dịch liên quan tới sở hữu kỳ nghỉ, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện, hình thức giao dịch, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch.
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, kiến nghị, nhu cầu khôi phục và phát triển thị trường BĐS nói chung và lĩnh vực BĐS du lịch nói riêng do những khó khăn dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ từ phía Chính phủ về nhiều mặt, trong đó có hỗ trợ cả về chính sách thuế.