Hàng trăm hộ dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm trong khu vực dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã di dời đến những khu tái định cư (TĐC) mới để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đến nay, các gia đình đã ổn định trong những ngôi nhà mới ở các khu TĐC, song cuộc sống của họ đang gặp phải khó khăn do thiếu đất sản xuất.
Dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế được khởi công từ tháng 9/2019. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng…
Riêng đoạn cao tốc đi qua tỉnh Thừa Thiên-Huế dài hơn 62km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Để phục vụ cho thi công dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng 9 khu TĐC cho khoảng 200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Trong đó, tại huyện Phong Điền, xây dựng 3 khu TĐC ở các xã Phong Sơn, Phong Xuân và Phong Mỹ, bố trí chỗ ở cho hơn 100 hộ dân (gồm hộ chính và hộ phụ). Người dân đã chuyển đến ở các khu TĐC này từ 1-2 năm nay, phần lớn làm nông và trồng rừng…
Nhà cửa của người dân ở khu TĐC Phong Xuân đã ổn định, tuy nhiên nhiều hộ thiếu đất sản xuất.
Trong ngôi nhà mới khang trang ở khu TĐC xã Phong Xuân, ông Nguyễn Văn Tiến vui mừng cho biết, ngôi nhà được xây dựng trị giá hơn 700 triệu đồng từ tiền đền bù. Trước đây, gia đình ông Tiến ở khu kinh tế mới xã Phong Xuân, sống trong ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng. Khi dự án triển khai, gia đình ông Tiến nằm trong diện di dời để nhường đất cho dự án.
Theo ông Tiến, khi đến nơi ở mới, ông cũng như các hộ dân đều rất hài lòng vì hạ tầng đầy đủ; nhất là tình hình ANTT được đảm bảo nên người dân TĐC rất yên tâm. Tương tự, về sống trong khu TĐC xã Phong Xuân gần 2 năm, gia đình ông Võ Mật đã xây dựng ngôi nhà mới khang trang trên diện tích hàng trăm mét vuông được huyện cấp.
“Hạ tầng kỹ thuật của khu TĐC được Nhà nước đầu tư khang trang, thuận lợi để người dân tạo dựng cuộc sống ở nơi mới. Khi nhận xong tiền hỗ trợ đền bù, các hộ dân đã xây nhà. Các thủ tục như: cấp sổ đỏ, kéo đường dây điện, hệ thống nước sạch… đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy, người dân yên tâm sinh sống khi chuyển đến nơi ở mới”, ông Mật chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lời ông Mật cùng như nhiều hộ dân khác, hiện tại, người dân ở khu TĐC đang thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Mặc dù, Nhà nước có hỗ trợ tiền để học nghề, chuyển đổi việc làm nhưng hầu hết các gia đình đều dùng số tiền này để bù vào chi phí xây dựng nhà cửa.
Nhiều hộ dân ở các khu TĐC huyện Phong Điền cũng cho hay, mặc dù chỗ ở mới khang trang như “phố” nhưng họ không có việc làm ổn định. Những người lớn tuổi muốn nuôi con trâu, con bò, làm chuồng nuôi gà như trước cũng không có đất. Một số hộ dân không có đất canh tác, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, người dân kiến nghị mong muốn các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ bố trí giao đất rừng sản xuất để người dân có phương tiện sinh kế lâu dài.
Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân nói rằng, huyện đã có chủ trương sử dụng diện tích đất do Lâm trường Phong Điền trả lại để cấp đất cho các hộ dân trên địa bàn xã đang thiếu đất sản xuất. Đến giữa tháng 5/2022, xã đã nhận được hơn 300 đơn của người dân trên địa bàn xin được cấp đất rừng để sản xuất, trong đó có nhiều trường hợp TĐC cao tốc. Hiện, xã đang tổng hợp danh sách để báo cáo lên huyện.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, theo quy định, các hộ dân TĐC đã nhận tiền đền bù và chuyển đổi nghề thì không được cấp đất sản xuất.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều hộ dân TĐC cao tốc Cam Lộ – La Sơn cũng như hàng trăm hộ dân khác ở 2 xã Phong Mỹ và Phong Xuân đang thiếu đất sản xuất, UBND huyện đã giao cho UBND các xã làm đề án, lập danh sách để cấp cho đúng đối tượng. Dự kiến, 1 hộ dân sẽ được cấp 1ha trong thời hạn 50 năm, chậm nhất từ nay đến hết năm 2022 sẽ cấp đất cho người dân để sớm ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngày 9/5, kiểm tra dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn đoạn qua địa bàn Thừa Thiên-Huế, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu, quá trình thi công, các nhà thầu cần đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế gây tác động ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng dự án đi qua.
Đối với những diện tích sản xuất của dân bị ảnh hưởng, chủ đầu tư và nhà thầu phải có phương án hỗ trợ. Đối với những tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp do ảnh hưởng bởi thi công dự án thì sớm có phương án khắc phục, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân và trả lại hiện trạng sau khi hoàn thành dự án.
Hiện nay, đối với phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật của dự án, ông Hoàng Hải Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thành các thủ tục, bàn giao mặt bằng để nhà triển khai thi công trong tháng 5/2022.
Trước nhu cầu sử dụng hàng trăm ngàn mét khối đất san lấp phục vụ một số gói thầu của dự án, ông Hoàng Hải Minh chỉ đạo các sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ theo quy định để có nguồn đất cung cấp cho dự án.
“Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam là dự án quan trọng quốc gia, trong đó dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022. Vì vậy, các huyện, thị xã có dự án đi qua, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án”, ông Hoàng Hải Minh nói.