Chúng tôi nhờ một công ty tư vấn pháp lý giúp đỡ các thủ tục thực hiện. Công ty này cho biết, tôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Sau khi nạp hồ sơ về việc tặng cho, tôi chỉ nhận được Chứng nhận đăng ký biến động về chủ sở hữu vào hồ sơ địa chính, nhưng không nhận được sổ hồng do tôi đứng tên, tôi cũng không được cấp phép xây dựng mới nhà lại, phải giữ nguyên hiện trạng nhà cho đến khi giao dịch chuyển nhượng cho người khác. Muốn được toàn quyền sở như người trong nước, tôi phải xin quốc tịch Việt Nam trở lại.
Xin hỏi như vậy có đúng không? Quy định về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận tặng cho nhà đất cụ thể như thế nào?
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật quốc tịch 2008:
“3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Do đó, trường hợp của bạn được xác định là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cụ thể là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo quy định tại Khoản Điều 169 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
“2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;”
Khoản 2 Điều 7 Luật Nhà ở 2014 quy định Người Việt Nam định cư ở ngước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 8 Luật nhà ở 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện sau :
“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;”
Căn cứ quy định trên, đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.