Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm xây dựng vì thế như liều thuốc cực mạnh khi bắt buộc tháo dỡ nhà trái phép sau 60 ngày. TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đã trao đổi khá rõ nét về vấn đề này.
TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam |
Liên quan đến nhiều công trình sai phép mặc nhiên tồn tại, dư luận từng đặt câu hỏi có hay không việc chủ đầu tư và nhóm bảo kê sai phạm “trục lợi kép”, thưa ông?
– Tâm lý của nhiều chủ đầu tư hiện nay là nếu bị cơ quan chức năng sờ đến chỉ cần “bôi trơn”.
Công trình sai phép, không phép phải xử lý nghiêm, nhưng lâu nay sai phạm được coi như… một việc đã rồi và xử lý bằng cách phạt tiền để tồn tại. Trong khi cách tính tiền nộp phạt chưa đủ sức răn đe.
Giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ được tính bằng số mét vuông vi phạm nhân với giá tiền 1m2 nhà do UBND cấp tỉnh ban hành đối với cấp nhà được áp dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính là thấp. Bởi bảng giá đất, chi phí xây dựng UBND cấp tỉnh ban hành được coi là tương đối tượng trưng so với giá trị thị trường.
Vì vậy, số tiền nộp phạt cũng không thể sánh với lợi nhuận mà chủ đầu tư thu được từ công trình sai phép. Cho nên, đã đến lúc ngừng hỏi có hay không việc trục lợi kép. Tại sao không khi chủ đầu tư lẫn nhóm bảo kê đều hưởng lợi từ chính số tầng vượt phép hay công trình không phép được tồn tại đó.
Vậy theo ông, việc tăng chế tài xử lý công trình sai phép lên ngưỡng cao nhất: Bắt buộc tháo dỡ thay vì nộp tiền liệu có đủ sức răn đe?
– Tôi đánh giá cao Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ khi kiên quyết thiết lập lại trật tự xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý các công trình sai phạm cần nhiều biện pháp hơn, thay vì một chế tài duy nhất: Phá dỡ phần công trình sai phạm.
Bởi giả dụ, một công trình xây dựng được cấp phép 15 tầng, nhưng chủ đầu tư vượt phép thành 18 tầng, có thể tháo dỡ 3 tầng. Tuy nhiên, công trình không phép 18 tầng liệu phá dỡ toàn bộ có khả thi?
Công trình xây dựng sai phép số 8B Lê Trực. Ảnh: Nguyễn Linh
Lúc này, cho phép chủ công trình thêm 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép liệu có lại phát sinh câu chuyện “bôi trơn”? Vòng luẩn quẩn phạt cho tồn tại chẳng khác nào hợp thức hóa ở dạng khác.
Chính vì vậy, quan điểm của tôi cần linh hoạt có thêm hướng xử lý thứ 2. Cụ thể, chủ công trình được để lại phần vi phạm, nhưng bị phạt một khoản tiền đủ để triệt tiêu lợi ích từ việc vi phạm đem lại.
Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng ngay khi còn trứng nước. Chứ đợi đến khi “sự đã rồi” thiệt hại vật chất nghe có vẻ là của chủ đầu tư, nhưng mấu chốt vẫn là thiệt hại vật chất của toàn xã hội. Đối với những dự án chung cư không phép hay vượt tầng không những gây thiệt hại về thời gian, kinh tế mà còn là những cú sốc lớn về tinh thần đối với khách hàng.
Nói một cách đơn giản, cần nghiêm khắc loại bỏ tình trạng “bảo kê sai phạm”?
– Về cốt lõi là vậy. Ở các đô thị phát triển, họ quy định 3 giấy phép xây dựng liên hoàn nhau. Đầu tiên là giấy phép quy hoạch xác định chủ đầu tư được xây dựng ở khu vực nào. Thứ hai, khi thiết kế công trình được duyệt, muốn thi công phải tiếp tục có giấy phép công trình (ở Việt Nam gọi là giấy phép xây dựng).
Cuối cùng, chủ đầu tư cần sở hữu giấy chứng nhận hoàn công mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng). Ba giấy phép liên hoàn này vì thế kiểm tra lẫn nhau. Trong khi ở Việt Nam về cơ bản vẫn chỉ có hai loại: Giấy phép quy hoạch và giấy phép xây dựng. Giấy chứng nhận hoàn công thực tế vẫn qua loa trong quy trình kiểm tra.
Đáng chú ý, ngay từ đầu, cơ quan liên ngành kiểm tra còn hạn chế trong giám sát công trình sai phạm. Tại sao người dân bình thường mới đổ đống cát giữa nhà đã thấy Thanh tra xây dựng (TTXD), lực lượng đô thị hỏi thăm. Trong khi, có những công trình lớn ngang nhiên vượt tầng, không phép giữa “thanh thiên bạch nhật” lại không ai ý kiến? Để đến khi sắp hoàn thiện mới phát hiện ra sai phạm.
Một sự thật trớ trêu nữa là những sai phạm lại do báo chí phát hiện chứ không phải Thanh tra xây dựng (TTXD). Điều đó chứng tỏ công tác thanh, kiểm tra xây dựng chỉ sâu sát với các công trình xây dựng dân dụng “be bé” còn công trình lớn vẫn “nhắm mắt cho qua”. Không xử phạt chứng tỏ có sự bảo kê, nhũng nhiễu.
Qua được, sẽ có lợi cho chủ đầu tư lẫn nhóm bảo kê. Dư luận phát giác, chủ đầu tư lại sẵn sàng chịu nộp phạt cho tồn tại. Đôi đường đều có lợi. Phải chặn sự trục lợi kép đó, vòng luẩn quẩn công trình sai phép, không phép mới được phá vỡ.
Về lâu dài, muốn đội ngũ TTXD phát huy hiệu quả, tránh nhũng nhiễu khi làm việc cần giải pháp nào, thưa ông?
– Có thể xem xét sử dụng dịch vụ TTXD để giảm biên chế và tăng hiệu quả của công tác này. Bởi ở nhiều nước trên thế giới, khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu luôn một khoản phí dùng để thuê dịch vụ kiểm tra DN, người dân có thực hiện đúng giấy phép được cấp hay không. Lực lượng này không thuộc biên chế Nhà nước.
Khi thuê dịch vụ như vậy, có thể kiểm soát được chất lượng, đơn vị nào làm tốt sẽ tiếp tục được thuê và ngược lại. Ở Mỹ và nhiều nước phát triển không tồn tại lực lượng TTXD. Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng theo xu hướng này. Trước mắt, có thể lựa chọn thí điểm ở một vài quận, huyện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rồi tổng kết, so sánh. Nếu thấy sử dụng dịch vụ TTXD hiệu quả hơn duy trì lực lượng TTXD như hiện nay, thì nhân rộng mô hình rồi dần dần tiến tới bỏ hẳn lực lượng này, xem đây là hình thức xã hội hóa hoạt động TTXD.
Lực lượng TTXD hiện nay có thể chuyển thành các công ty, đơn vị nhận làm công tác thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật của chủ đầu tư khi xây dựng. Cơ quan Nhà nước chỉ duy trì một bộ phận nhỏ để làm kế hoạch thanh tra trước khi đặt hàng.
Điều quan trọng là phải gắn với trách nhiệm. Là TTXD trong cơ quan Nhà nước, (công chức được Nhà nước nuôi để thi hành công vụ) hay dạng dịch vụ (giao dịch thuê – trả tiền), nếu không hoàn thành nhiệm vụ phải thay thế bằng người có năng lực, trách nhiệm và có thể đảm đương công việc đó.