Ảnh minh hoạ.
Khối tài sản chế chấp “khủng”
Cụ thể, đến cuối quý 2/2022, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp tại Vietcombank đạt tới 1,833 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng, tương đương 10,6% so với cuối năm 2021. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại nhà băng này hiện cao hơn 72,6% so với số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm.
Trong khối tài sản nhận thế chấp hơn 1,8 triệu tỷ đồng, riêng tài sản nhận thế chấp là bất động sản đã có giá trị trên 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 72,6% tổng giá trị tài sản thế chấp tại Vietcombank và tăng 12,7% so với năm thời điểm cuối năm 2021.
Giá trị tài sản đảm bảo tại Vietcombank tại thời điểm kết thúc ngày 30/6/2022. Trích báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của Vietcombank.
Tích cực rao bán
Với khối bất động sản thế chấp khủng tương đương 79,5 tỷ USD này, thời gian qua, Vietcombank là ngân hàng có hoạt động xử lý nợ và thanh lý tài sản đảm bảo sôi nổi trên thị trường. Trong đó, hầu hết khoản nợ, tài sản mà ngân hàng này rao bán đều là bất động sản hoặc có tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Kể từ đầu tháng 8, Vietcombank ra nhiều thông báo bán đấu giá loạt bất động sản tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP HCM với giá từ 10 tỷ đồng đến hơn 150 tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.
Cụ thể, Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng thông báo đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh). Tài sản được đấu giá là quyền sử dụng lô đất rộng 5.073 m2 tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ngân hàng cho biết đây là lô đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng đến hết ngày 25/4/2058.
Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trên là 150,9 tỷ đồng, chưa bao gồm nợ thuế phí, thuế VAT.
Lô đất này được Tập đoàn Yên Khánh thế chấp tại Vietcombank vào ngày 13/12/2016 chỉ 4 ngày sau khi Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tập đoàn Yên Khánh là doanh nghiệp liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc), cựu Thượng tá quân đội, nguyên Phó Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Ông Hệ hiện lĩnh án chung thân với các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Vietcombank Đông Sài Gòn rao bán đấu giá tài sản đảm bảo Vũ Hoa Cường là thửa đất rộng gần 1.000 mét vuông tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Mức giá khởi điểm được VCB Đông Sài Gòn đưa ra cho thửa đất này là 45 tỷ đồng.
Một lô đất khác hơn 18.000 m2 tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi TP HCM được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm 11,7 tỷ đồng. Lô đất là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Đầu tư và Phát triển Gold Fish, doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM thành lập từ năm 2011, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Thậm chí, trong tháng 8/2022, Vietcombank tại Quảng Ngãi cònthông báo bán đấu giá một bất động sản là khu resort Mỹ Khê của Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm 30,4 tỷ đồng. Khu resort nằm trên lô đất rộng gần 3.700 m2 tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Đây là lô đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2042. Tài sản gắn liền với lô đất trên gồm khu nhà hàng một tầng rộng 407 m2, khu nhà hàng hai tầng rộng 217 m2, nhà nghỉ 405 m2, nhà bảo vệ 19 m2 và khu nhà vệ sinh 85,7 m2.
Hiện Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất toàn hệ thống. Tính đến 30/6/2022, tổng nợ xấu tại Vietcombank tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận gần 6.694 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 80%, chiếm 1.340 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 6% lên hơn 4.699 tỷ đồng và nợ nghi ngờ giảm 31% xuống còn 664 tỷ đồng.
Tích cực rao bán nợ xấu nhưng việc xử lý những tài sản đảm bảo này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên thực tế, những khối tài sản lớn hàng trăm tỷ đồng đã được Vietcombank rao bán rất nhiều lần, giảm giá liên tục mà vẫn chưa bán thành công.