Việc người dân “quay lưng” với nhà tái định cư (TĐC) là một câu chuyện không mới và cũng không của riêng địa phương nào. Nhưng vấn đề này lại được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây, khi Sở Xây dựng công bố danh sách gần 400 căn nhà TĐC không có người nhận. Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), “gốc rễ” của thực tế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có do nhận thức về nhà TĐC còn hạn chế.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách gần 400 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn thủ đô nhưng chưa liên hệ với ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, cũng chưa nộp tiền và nhận nhà. Theo ông, điều gì khiến dân Hà Nội “chê” nhà TĐC?
PGS.TS Trần Chủng:“Gốc rễ” của thực tế này chính là nhận thức của chúng ta về nhà TĐC. Nguyên nhân khách quan, chính là cơ quan quản lý nhà nước còn bị ám ảnh bởi cách thức quản lý thời bao cấp. Cách thức đó luôn hiện diện trong suốt quá trình chuẩn bị, thực hiện và quản lý, khai thác dự án.
Những đơn vị ấy đáng lẽ phải tự đặt câu hỏi, tại sao nhân dân lại không thích nhà TĐC, hoặc có về ở cũng trong trạng thái miễn cưỡng? Hãy liên hệ với cách mời người ta ăn cỗ. Tại sao đã mời ăn mà người ta không ăn. Để rồi nếu có nhận được câu trả lời là “mặn quá” hay “nhạt quá” thì cũng biết cách mà điều chỉnh, nêm nếm lại gia vị.
Nhà TĐC vốn dĩ là một loại hình lấy vốn ngân sách nhà nước để làm nhà, để lo việc giải phóng mặt bằng, nhưng thực tế thời gian vừa qua lại có quá nhiều khu nhà TĐC bị bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách của Nhà nước.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, thứ nhất, chất lượng nhà TĐC, bao gồm chất lượng nội thất, chất lượng công trình, hạ tầng,… còn rất yếu kém. Nếu điều tra một cách sòng phẳng xem suất đầu tư TĐC có thấp hay không thì thời điểm năm 2001, tôi cho là không. Giá trị nhà TĐC ngang với nhà thương mại, phải“rơi rụng” ở đâu đó thì chất lượng nhà TĐC mới kém như vậy.
Thứ hai, người dân quay lưng bởi vì công tác quản lý nhà TĐC là không có, hoặc quản lý một cách rất bao cấp, công ty quản lý bao cấp, xây nhà bao cấp, xí nghiệp nhà nước quản lý không làm tròn trách nhiệm dẫn đến việc công trình TĐC nhanh xuống cấp và hư hỏng.
Người dân sẵn sàng hy sinh đất đai, nhà cửa để Nhà nước làm các công trình công cộng, các công trình phục vụ xã hội. Đó vốn dĩ đã là một sự hy sinh rất lớn nhưng lại không được quan tâm. Chúng ta hay nói nhà TĐC tốt hơn chỗ cũ nhưng nếu thực sự tốt hơn thì tại sao người dân chê? Thậm chí dù căn nhà cũ chỉ khoảng hơn chục mét vuông nhưng dân vẫn không chịu về nhà TĐC hơn 60m2. Câu trả lời nằm ở đâu?
Chủ thể trên hết của mô hình TĐC chính là con người. Trong mô hình này, các đơn vị có trách nhiệm phải thể hiện được cuộc sống của con người tại nơi ở mới, bao gồm nhà ở, nơi làm việc, nguồn thu và các nhu cầu thông thường khác của cuộc sống như việc học hành, sinh hoạt văn hóa, mua sắm…
Rất tiếc, chúng ta đã mất một thời gian dài bó hẹp trong nhận thức và xây dựng nhà TĐC theo kiểu chỉ là “nhà ở”, bỏ quên hạ tầng giao thông, bỏ quên tiện ích, trường học, bệnh viện… Đó là lý do thứ ba dân quay lưng với nhà TĐC cần phải điều chỉnh.
Nên nhớ, TĐC không phải chỉ nghĩ đến chuyện ở, mà phải nghĩ đến chuyện làm kinh tế và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân. Việc này rất quan trọng. Phải xác định khu nhà đó ở vị trí nào, nơi đó cư dân có làm ăn được hay không? Đây là vấn đề phải tính toán, chứ không chỉ xây mỗi cái nhà là xong. An cư thì phải lập nghiệp.
Vậy thưa ông, làm thế nào để giải quyết được 3 vấn đề nêu trên, tạo sự hấp dẫn cho nhà TĐC?
Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải sòng phẳng. Người dân đã sẵn sàng nhường lại đất đai, nhà cửa cho công tác giải phóng mặt bằng, thì phải tính toán một cách đầy đủ để người dân có quyền lựa chọn nơi ở. Ví dụ như người ta có thể mua được căn chung cư gần con cháu, người thân… Muốn lựa chọn nơi ở thì phải tạo cơ hội. Như vậy, nhàTĐC cũng phải hướng đến thị trường, không thể tuỳ tiện cấp cho chỗ này, chỗ kia.
Nhiều khu TĐC bị bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Ảnh: Cao Thuỳ
Khi đó, giá cả đền bù cũng phải dựa trên và phù hợp với giá cả thị trường, không thể cao quá, nhưng cũng không thể thấp được. Do vậy, phải giới thiệu những khu vực nhà thương mại có diện tích nhất định để người dân tự mua, tuỳ theo khả năng tài chính của họ.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý, mặc dù nhà thương mại sau khi đưa vào khai thác sẽ quản lý tốt hơn, nhưng người dân cần quan tâm ông chủ thực sự quản lý, khai thác dự án đó là ai. Hiện nay nhiều nhà đầu tư quen biết cũng xin được đất xây dựng chung cư rồi lại bỏ mặc cho dân. Hàng loạt những vấn đề nóng bỏng tại các chung cư đang xảy ra từng ngày, như nước sinh hoạt bẩn hay không có nước, tranh chấp quỹ bảo trì, tranh chấp lối đi chung,…
Theo quan điểm của tôi, cần phải xây dựng một phương án đền bù sao cho phù hợp, và thực hiện nguyên tắc về khoảng cách. Ví dụ, người dân quận Hoàn Kiếm thì phải ưu tiên các dự án ở khu vực như Cầu Giấy hay Từ Liêm, còn ở Câu Giấy thì phải ra chỗ xa hơn…
Cần phải xây dựng một quy chế, chính sách đền bù một cách hết sức minh bạch và công bằng, không chỉ là về diện tích.
Nhà nước cần tạo được môi trường để huy động nhiều nhà đầu tư tham gia tạo lập các sản phẩm hàng hóa giúp người dân có nhiều lựa chọn. Nên dừng việc làm nhà TĐC từ ngân sách nhà nước bởi nó đã, đang và sẽ có quá nhiều khuyết tật.
Hà Nội đang khuyến khích giải tỏa di dời ở đô thị theo hướng hỗ trợ tiền để tự lo TĐC theo phương thức tự nguyện. Ông đánh giá sao về phương án này?
Tự lo TĐC thì nhiều người lo được, nhưng cần phải đưa ra cách thức thực hiện cụ thể chứ không thể “quẳng” tiền rồi để người dân muốn làm thế nào thì làm. Bởi không phải người dân nào cũng có khả năng tự lo TĐC và sử dụng tiền đền bù một cách hợp lý. Thực tế đã có tình trạng dân nhận tiền đền bù rồi tiêu pha lãng phí, nảy sinh tệ nạn xã hội, tiền thì hết mà nhà thì chưa lo được. Do đó, phải có cơ chế chính sách giúp người dân ổn định cuộc sống nhanh nhất.